Hàng giả trên sàn thương mại điện tử đang trở nên phổ biến. Đây sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng quản lý thị trường trong thời gian tới.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Công nghệ chống hàng giả

Tuyết Nhung 13/12/2023 09:25

Hàng giả trên sàn thương mại điện tử đang trở nên phổ biến. Đây sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng quản lý thị trường trong thời gian tới.

Thương mại điện tử hiện là môi trường hoạt động chủ yếu không chỉ của người bán, người mua mà cả với lực lượng chức năng. Với xu thế này, hàng giả hàng nhái kinh doanh qua thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến và đây sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng quản lý thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm đạt hiệu quả thì các lực lượng chức năng cần có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể "tay không bắt giặc".

cong-nghe-chong-hang-gia.jpg

Tại Diễn đàn công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử Việt Nam ngày 12.12, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh: "Nếu không có những chế tài phù hợp thì online sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có các giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... từ đó góp phần phòng ngừa các rủi ro".

Công nghệ nào để chống hàng giả?

Đề cập đến các giải pháp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử, TS.Đinh Lê Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trên thương mại điện tử, không chỉ là phòng tránh hàng giả, mà cần đảm bảo quyền lợi đầy đủ của khách hàng. Theo đó, TS.Đinh Lê Hải Hà kiến nghị, trên thương mại điện tử, cần quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ gắn liền với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Cùng với đó, luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng tại các sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp ứng dụng (app).

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hóa đơn giao hàng, xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường các giải pháp kỹ thuật để đưa ra các mức độ cảnh báo, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng.

Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, song rất nhiều người tiêu dùng gặp trở ngại khi mua sắm online. Đó là việc chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; giá cả thường cao hơn so với việc mua bán trực tiếp; chi phí vận chuyển cao; đặt hàng rắc rối; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; Dịch vụ chăm sóc khách hàng kém...

"Trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng trong mua sắm online đó là chất lượng hàng hóa. Nhiều khi đặt hàng xong, hàng nhận về khác xa so với hình ảnh quảng cáo", ông Lê Đức Anh chỉ rõ và cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng chống hàng giả.

Bộ Công Thương đang hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Mới nhất, trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp.

"Hệ sinh thái số sẽ góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch trong thương mại điện tử, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử...", ông Lê Đức Anh thông tin và kỳ vọng, Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả trên môi trường mạng.

Đưa ra giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững, bà Đỗ Thị Xuân Hương - Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhìn nhận, hiện nay trên thị trường có rất nhiều giải pháp chống hàng giả, như: dán tem chống hàng giả; công nghệ nhận diện bằng hình ảnh; truy vết hàng hóa; định danh người bán hàng. Trong đó dán tem chống hàng giả là giải pháp truyền thống phổ biến.

Thương mại điện tử là kênh phân phối hàng hóa ngày càng phát triển, là môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh hàng giả hàng nhái. Vì vậy cần có giải pháp truy vết hàng hóa, định danh người bán hiệu quả, tuy nhiên cần đảm bảo tính chính xác, "chống làm giả các công nghệ làm giả"; tính tiện lợi; tính hiệu quả về chi phí.

Đại diện Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cũng khuyến nghị Chính phủ ban hành các quy định tiêu chuẩn về truy vết hàng hóa, định danh người bán trên thương mại điện tử; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai giải pháp.

Người tiêu dùng điều chỉnh thói quen mua sắm, nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm, người bán. Đối với bên kinh doanh vận chuyển, đảm bảo hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sản phẩm sau khi đóng gói phải sử dụng tem chống giả và phải định danh được người bán. "Hàng hóa khi tham gia lưu thông cần được đính kèm hóa đơn điện tử nhằm chống gian lận thương mại thất thu thuế", bà Hương đề xuất.

Cùng với đó, nhiều công nghệ, giải pháp chống giả khác cũng được ra như: Giải pháp V-Mark; tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa; giải pháp TrueSell trong định danh người bán và truy xuất nguồn gốc hàng hóa; Check.VN; ứng dụng truy xuất nguồn gốc và mã số mã vạch vào hoạt động sản xuất; công nghệ iSeal, giải pháp xác thực xuất xứ, giải pháp chống hàng giả dựa trên công nghệ RFID, ứng dụng Blockchain trong truy xuất hàng hóa...

Theo các chuyên gia, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả thì rất khó kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp chống giả sẽ giúp thống nhất quy chuẩn quốc gia để cơ quan chức năng đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của các loại tem chống hàng giả, phục vụ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh tránh lãng phí các nguồn lực xã hội trong việc nghiên cứu các giải pháp chống giả riêng của từng đơn vị.

Bài liên quan
Doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cơ cấu lại khách hàng, giá cả, sản phẩm…
Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp bất động sản chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
8 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ chống hàng giả