Hãng tin AP giới thiệu một nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford nhằm tìm hiểu lợi ích mà công nghệ thực tế ảo (VR) đem lại cho người cao tuổi.
Từng giảng dạy tại Học viện Quân sự West Point vào những năm 1970 và hai đại học tư nhân khác vào những năm 1990, vì vậy đại tá nghỉ hưu Farrell Patrick không bất ngờ trước loạt tiến bộ công nghệ nhiều thập kỷ qua.
Nhưng ông lại rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên trải nghiệm VR ở tuổi 91. Đại tá Patrick ngồi tại phòng sinh hoạt chung của làng dưỡng lão John Knox, trải nghiệm cảm giác lái máy bay chiến đấu di chuyển ngoài khơi bang Florida.
“Ôi Chúa ơi, đẹp tuyệt vời”, ông thốt lên khi chiếc máy bay đáp xuống tàu sân bay.
Làng John Knox là một trong 17 cộng đồng cao tuổi trên khắp nước Mỹ tham gia nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford. Nghiên cứu ghi nhận đa số phần lớn trong số 245 người tham gia từ 65 đến 103 tuổi yêu thích VR, công nghệ mới giúp cải thiện cảm xúc lẫn tương tác giữa họ với nhân viên chăm sóc.
Trong quá trình nghiên cứu, người cao tuổi lựa chọn loạt trải nghiệm ảo kéo dài 7 phút như nhảy dù, lái xe tăng, xem trình diễn, chơi với thú cưng hay tham quan địa điểm nổi tiếng. Thiết bị VR đem lại âm thanh cùng góc nhìn 360 độ khiến trải nghiệm trông vô cùng chân thực.
Cựu quan chức Đại sứ quán Canada tại Mỹ Terry Colli cho biết: “Chương trình VR gợi lại kỷ niệm về những chuyến đi trước đây cũng như về thời thơ ấu sống ở trang trại. Thật tuyệt vời”.
Nghệ sĩ Anne Selby nhận xét VR kích thích tất cả giác quan của bà: “Tôi đặc biệt thích trải nghiệm chơi với thú cưng vì trước đây tôi từng có rất nhiều vật nuôi”.
Nghiên cứu của Đại học Stanford cho kết quả gần 80% người tham gia có thái độ tích cực hơn sau khi sử dụng VR, gần 60% cảm thấy ít bị cô lập xã hội hơn. Sự thích thú giảm đi phần nào ở người cao tốc có thị giác và thính giác kém đi. Người thấy VR kém thú vị dường như là người nhìn chung không thích công nghệ.
Làng John Knox sử dụng VR cho nhóm người già mắc Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ khác. Công nghệ mới giúp khơi dậy kí ức qua đó hỗ trợ tương tác giữa họ với nhân viên chăm sóc.
“Họ như sống lại khi kể câu chuyện của mình. Số cụ không nói nhiều thấy vui hơn khi VR đưa họ về với thiên nhiên”, điều phối viên Hana Salem cho biết. Chương trình thực tế ảo mà cơ sở sử dụng có trải nghiệm bắt bướm giúp người cao tuổi tăng khả năng vận động lẫn sự linh hoạt khi đứng và bắt đồ vật.
Đồng sáng lập công ty Mynd Immersive (đơn vị cung cấp thiết bị VR cho làng John Knox và nghiên cứu của Đại học Stanford) Chris Brickler cho biết chương trình họ phát triển sẽ sớm liên kết Google Earth, người cao tuổi có thể thăm lại trường mình từng theo học, nơi mình từng sống, địa điểm mình từng đi qua.
Mynd Immersive đã tìm cách giải quyết vài khuyết điểm, bao gồm thiết bị còn nặng, nhiệt sinh ra lúc hoạt động làm trán đổ mồ hôi, đôi lúc trải nghiệm gây cảm giác buồn nôn. Thiết bị mới chỉ nặng khoảng 189 gram thay vì 454 gram như trước, có quạt làm mát tích hợp, nội dung phát không bị nhiễu nhiều.
Đại tá Patrick hy vọng bản thân sống đến 100 tuổi, vì ông tin rằng 5 năm tới thế giới sẽ chứng kiến lĩnh vực VR có tiến bộ đột phá. Chi phí có thể giảm đáng kể và công nghệ này trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày.