Lý giải về những bất tiện khi dùng VAR ở V-League là do mỗi trận có VAR ở V-League chỉ có 8 máy quay chỉ bằng một phần so với các giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu thế giới.
Thể thao

Công nghệ VAR tại V-League khác gì VAR các giải hàng đầu thế giới?

Đặng Hoàng 12:14 02/12/2023

Lý giải về những bất tiện khi dùng VAR ở V-League là do mỗi trận có VAR ở V-League chỉ có 8 máy quay chỉ bằng một phần so với các giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu thế giới.

Bóng đá giống như đời sống khi cũng có bất công trước những quyết định “vô tình” hoặc “cố ý” của trọng tài làm thay đổi kết quả trận đấu, qua đó đem lại niềm vui cho đội này đồng thời là nỗi khổ đau cho đội khác.

Bóng đá rất đời là thế nên cũng không có gì lạ khi bóng đá có sức hấp dẫn bậc nhất toàn cầu!

Thế nhưng khi đã là đời sống, ai cũng mong muốn hướng đến cuộc sống hoàn thiện, và VAR ra đời không ngoài mục đích đem lại sự công bằng và giới hạn tối đa sai sót của trọng tài. Bù lại, tính liên tục tạo của trận đấu bị ngắt quãng, thậm chí người xem có cảm giác khó chịu khi chờ đợi quá lâu, đó là chưa tính đến khi trận đấu trở lại, tâm lý, trạng thái thi đấu của cả hai đội cũng bị ảnh hưởng.

Thật sự là rất lâu

VAR ở V-League không tránh khỏi quy luật người xem "mất nhịp" vì đợi chờ quá lâu.

7/13 trận đấu được áp dụng VAR ở hai lượt đầu tiên V-League 2023-2024, và số phút trung bình bù giờ mỗi trận có VAR là 11,4 phút, nhiều hơn là 10 phút/trận khi VAR được thử nghiệm ở 5 trận cuối V-League 2023.

Trận Hà Nội - Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy tối 29.10 được bù giờ đến 15 phút dù chỉ có 8 phút bù giờ chính thức ở hiệp 2, và 3 phút bù giờ ở hiệp 1. Nguyên nhân do trọng tài Trần Ngọc Nhớ mất khoảng 8 phút cho hai lần phải kiểm tra VAR trong hiệp 2 để xác định 2 quả 11m cho cả hai đội.

Trong khi đó trận Viettel hòa Thanh Hóa 1-1 vào tối 28.10 có thời gian bù giờ dài đến 16 phút. Theo báo cáo của ban tổ chức giải là 13 phút gồm 5 phút bù giờ hiệp 1 và 8 phút bù giờ hiệp 2, thế nhưng trận đấu chỉ kết thúc khi đồng hồ bước sang phút bù giờ thứ 11 hiệp 2. Nguyên nhân là trọng tài Nguyễn Mạnh Hải mất hơn 5 phút kiểm tra VAR trong tình huống Rimario (Thanh Hóa) bị Thanh Bình (Viettel) phạm lỗi trong vòng cấm ở hiệp 1.

Ngoài ra còn có hai trận bù giờ từ 13 đến 15 phút là Hải Phòng – HAGL (20.10) và Nam Định – Quảng Nam (21.10).

Không chỉ mất nhiều thời gian mà dù có VAR hỗ trợ, quyết định của các trọng tài cũng không tránh khỏi sự phản ứng gay gắt của các đội ở V-League.

Nổi bật nhất là HLV Nguyễn Thành Công của đội Hà Tĩnh sau trận thua Viettel 0-1 tối qua 4.11 đã nhận định quả phạt đền cho Viettel mở tỷ số, cũng như phủ nhận bàn thắng gỡ hòa 1-1 của Hà Tĩnh là hai quyết định không chính xác của trọng tài Trần Ngọc Nhớ dù trọng tài này đã tham khảo VAR.

Số máy quay vẫn còn khiêm tốn

Lý giải về những bất tiện khi dùng VAR ở V-League là do mỗi trận có VAR ở V-League chỉ có 8 máy quay chỉ bằng một phần so với các giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu thế giới.

Trước đó, lần đầu tiên VAR xuất hiện tại Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Úc tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đã có khoảng 15 - 16 máy quay được đặt khắp sân Mỹ Đình - chỉ bằng 1/2 so với con số 33 máy quay tại World Cup 2018, thua xa mức 42 máy quay tại World Cup 2022.

Cần biết rằng công nghệ VAR cung cấp cho trọng tài những góc máy chiếu chậm tốt nhất để xem lại các tình huống gây tranh cãi mà họ không kịp theo dõi. Có nghĩa là, khi có nhiều máy quay, trọng tài sẽ được cung cấp nhiều góc nhìn thuận lợi để xem đi xem lại nhiều lần, từ đó trọng tài sẽ có quyết định chính xác hơn. Như trong trận Hải Phòng gặp HAGL, do ít máy nên góc máy kỹ thuật của VAR còn thiếu, chưa thể cung cấp góc quay rõ ràng nhất, khiến trọng tài gặp khó khăn khi đưa ra quyết định. Đó còn chưa kể các camera ở thế giới còn hiện đại hơn với độ phân giải và tốc độ ghi hình chi tiết hơn.

Trên đây là lý do các trọng tài Việt Nam cần nhiều thời gian trao đổi, xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khi đó Trưởng ban trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ dẫn quy định của FIFA cho biết, với VAR thì độ chính xác quan trọng hơn thời gian.

Cần phải hoàn thiện để theo kịp thế giới

Các CLB ở V-League cũng có thuận lợi khi không phải chia sẻ chi phí đầu tư và vận hành VAR với VPF, thực tế này khác xa với bóng đá thế giới: các đội bóng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chia sẻ nguồn kinh phí này. Hơn nữa làm gì cũng cần phải có thời gian để mọi thứ trở nên tốt hơn.

VPF cũng vừa tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm đối với các trọng tài vận hành công nghệ VAR sau 3 lượt đấu tại V.League.

Đã có 10 trận đấu được áp dụng VAR sau 3 lượt đấu tại V.League, 8 tình huống trọng tài VAR đề xuất trọng tài chính xem lại qua màn hình trên sân và trọng tài chính đã thay đổi quyết định ban đầu, 1 tình huống trọng tài vẫn giữ quyết định sau khi đã xem lại tình huống; ngoài ra, còn có 2 tình huống tư vấn của VAR giúp trọng tài chính có quyết định chính xác hơn.

Hôm nay, 2.12, V.League trở lại sau gần một tháng tạm ngưng với hai trận SLNA và Khánh Hòa tiếp Quảng Nam và Thanh Hóa.

Lượt thứ 4 V-League sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 2 đến 4.12, trong đó có 2 trận được áp dụng VAR là CLB Hà Nội gặp CLB Quy Nhơn Bình Định (19 giờ 15 ngày 3.12 trên sân Hàng Đẫy) và CLB Hải Phòng và CLB CAHN (18 giờ ngày 4.12 trên sân Lạch Tray).

***

Những nỗ lực của VPF cùng quan điểm về VAR là “chính xác quan trọng hơn thời gian” có thể chấp nhận được trong thời điểm hiện nay khi V-League nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung mới làm quen với VAR. Dù vậy, chúng ta vẫn cần phấn đấu để có công nghệ VAR tốt hơn phục vụ cho cả đội ngũ trọng tài cũng như người hâm mộ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ VAR tại V-League khác gì VAR các giải hàng đầu thế giới?