Trong thông báo mới nhất từ FE Credit thì việc thanh tra của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2018 chỉ là hoạt động kiểm tra định kỳ hằng năm, chứ không phải vì lý do báo chí phản ánh nhiều ý kiến của người dân liên quan tới giao dịch vay tiền để mua mỹ phẩm Deaura và hành vi liên hệ thu hồi nợ của FE Credit có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng.

Công ty FE Credit phủ nhận việc bị thanh tra vì ‘quấy rối’ người tiêu dùng

18/05/2018, 06:28

Trong thông báo mới nhất từ FE Credit thì việc thanh tra của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2018 chỉ là hoạt động kiểm tra định kỳ hằng năm, chứ không phải vì lý do báo chí phản ánh nhiều ý kiến của người dân liên quan tới giao dịch vay tiền để mua mỹ phẩm Deaura và hành vi liên hệ thu hồi nợ của FE Credit có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng.

FE Credit là công ty tài chính trực thuộc VPBank

Lùm xùm chuyện vay tiêu dùng

Từ tháng 9.2017, một tờ báo ở TP.HCM đã có loạt bài phản ánh về việc nhiều phụ nữ khiếu nại bỗng thành “con nợ” của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vì mua mỹ phẩm của Công ty TNHH Deaura. Tóm tắt sự khiếu nại như sau:

Với chiêu trò nhắn tin trúng thưởng “làm đẹp miễn phí”, sau khi khách hàng “cắn câu”, nhân viên của công ty đã tư vấn cho khách hàng mua trả góp mỹ phẩm với số tiền hàng chục triệu đồng. Khi người trúng thưởng cả tin đến tìm hiểu thì nhanh chóng được đưa vào phòng riêng để “bác sĩ” chăm sóc da. Trong khi “làm đẹp miễn phí” thì khách hàng được nhân viên tại đây thu thập thông tin qua sự trò chuyện. Kết thúc làm đẹp, ra về thì trên tay khách hàng mang 1 bộ mỹ phẩm Deaura kèm theo một số nợ tại VPBank lên đến hàng chục triệu đồng.

Để mua được sản phẩm, làm hợp đồng vay ngân hàng với số tiền hàng chục triệu đồng, họ chỉ cần xuất trình CMND. Trong “giấy đăng ký kiêm hợp đồng cho vay...” giữa VPBank và “nạn nhân” chỉ có chữ ký của họ và nhân viên, không có dấu đóng của ngân hàng. Thủ tục này vô cùng nhanh gọn, chỉ cần CMND của khách hàng (mà trung tâm đã cầm sẵn), mất thêm 10-15 phút thực hiện là hoàn tất mà không cần điều kiện gì thêm.

Sau khi báo phản ánh thì Công ty Deaura (22 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) đổi tên thành Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe FreYja” (CT FreYja). Tuy nhiên, thủ tục vay vẫn là của VPBank.

Giấy tờ hợp đồng kiêm hồ sơ vay không có dấu đỏ do nhân viên Công ty Deaura đưa cho khách hàng khi mua sản phẩm - Ảnh: Báo Phụ nữ TP.HCM

Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết qua thực tế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trong năm 2017 và quý 1/2018, cơ quan này nhận thấy có rất nhiều khiếu nại liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng. Trong đó, cái tên được nhắc tới nhiều nhất là FE Credit - Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, là một công ty tài chính, vay tiêu dùng thành lập vào ngày 2.11.2010, được phát triển từ khối tín dụng tiêu dùng thuộc VPBank.

Hơn 100 khiếu nại liên quan đến FE Credit​

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua có hơn 100 vụ việc khiếu nại liên quan đến FE Credit. Trong công văn số 286/CT-NTD gửi tới Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã nêu lên 4 hành vi phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của FE Credit.

Trong quy trình tư vấn, ký hợp đồng cho vay tiêu dùng có nhiều dấu hiệu không rõ ràng, đầy đủ. Bộ hợp đồng ký vay tiền không có con dấu xác nhận, có dấu hiệu không đảm bảo giá trị pháp lý; FE Credit không cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng lưu giữ. Ngoài ra, công ty này không cho phép người tiêu dùng điều chỉnh thông tin khi phát hiện có sai sót; hành vi thu hồi nợ có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng.

Theo nhận định của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng: “Những vụ việc nêu trên đang ảnh hưởng tới tình hình tài chính của một số đông người tiêu dùng, tạo tâm lý bức xúc và e ngại trong quá trình tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính từ phía người tiêu dùng”.

Ngày 15.5, trả lời về các khiếu nại của khách hàng vay mua sản phẩm Deaura có liên quan đến FE Credit, ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit cho biết công ty đã tiếp nhận và nhanh chóng xem xét hỗ trợ các yêu cầu, khiếu nại liên quan đến khoản vay của khách hàng trên tinh thần tôn trọng và tuân thủ pháp luật.

FE Credit cho rằng quan hệ giữa khách hàng đã mua sản phẩm Deaura và Công ty Venesa trong việc mua bán mỹ phẩm và quan hệ giữa khách hàng ký hợp đồng tín dụng với FE Credit là quan hệ dân sự độc lập. Khách hàng trước đó đã đồng ý vay, hợp đồng vay đã được giao kết và FE Credit không vi phạm bất cứ nghĩa vụ nào với khách hàng thì yêu cầu hủy đồng vay của khách hàng là không đúng quy định pháp luật và thỏa thuận.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Tri Đức - Giám đốc Công ty Luật 360 (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng mặc dù khách hàng ký hợp đồng vay tiền với ngân hàng, nhưng khi không có nhu cầu vay thì có quyền yêu cầu ngưng giải ngân và ngân hàng phải chấp thuận. Còn chuyện mua mỹ phẩm là giao dịch giữa công ty bán mỹ phẩm và khách hàng, không liên quan đến ngân hàng. Qua đó, dư luận đặt nghi vấn về việc có hay không sự câu kết giữa ngân hàng với Deaura để nhanh chóng biến khách hàng thành con nợ.

Trước tình hình trên, ngày 15.5 Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các tổ chức tín dụng. Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất cho vay theo quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

FE Credit​ phủ nhận việc bị thanh tra vì khách hàng khiếu nại

Ngày 16.5, Công ty FE Credit thông tin đến các cơ quan báo chí về việc bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra.

Theo đó, “FE Credit cho rằng theo quy định của luật Thanh tra thì hằng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều phê duyệt Kế hoạch thanh tra định kỳ đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Kế hoạch thanh tra này sẽ được công bố đến các chủ thể có liên quan vào cuối mỗi năm. Căn cứ kế hoạch thanh tra hằng năm đã được phê duyệt, NHNN sẽ ban hành quyết định thanh tra cụ thể đối với từng tổ chức tín dụng và gửi đến tổ chức tín dụng trước khi NHNN tiến hành thanh tra chính thức.

Do đó, đây là hoạt động thanh tra thường niên của NHNN đối với các tổ chức tín dụng chứ không riêng FE Credit, nhằm bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng.

FE Credit cũng như một số tổ chức tín dụng khác thuộc Kế hoạch thanh tra trong năm 2018 theo Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra của Thống đốc NHNN vào tháng 11.2017. Như vậy, việc thanh tra FE Credit nằm trong kế hoạch thanh tra đã được NHNN phê duyệt vào tháng 11.2017 và đã được công bố từ cuối năm 2017, không phải là hoạt động thanh tra đột xuất như một số thông tin chưa đầy đủ được đăng tải trong thời gian qua”.

Thông báo phản hồi của FE Credit​

Trước đó vào ngày 14.5 khi trả lời báo VnExpress, đại diện truyền thông FE Credit lại thừa nhận thời gian qua có nhiều thông tin phản ánh của khách hàng "không vay cũng bị đòi nợ" và đang trong quá trình rà soát, khắc phục.

Và trước bức xức của người tiêu dùng liên quan tới hoạt động đòi nợ của doanh nghiệp, phía FE Credit cho hay đang nâng cấp, kiểm soát lại toàn bộ hệ thống; chấn chỉnh và xử lý nghiêm nhân viên nhắc nợ vi phạm... Tuy nhiên, do lượng khách hàng lớn nên việc rà soát cũng mất thời gian, "quá trình xử lý phản ánh của khách hàng hoàn tất, công ty sẽ có báo cáo đầy đủ gửi Ngân hàng Nhà nước".

Qua những thông tin trên, có thể nhận thấy việc FE Credit gây ảnh hưởng đến khách hàng đã được chính họ xác nhận. Còn việc thanh - kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là thường niên, định kỳ hay đột xuất đối với FE Credit để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng là một việc dễ hiểu. Nhưng cũng có thể hiểu rằng Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra FE Credit cùng lúc với kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hằng năm đối với các tổ chức tín dụng là “một công đôi việc”, là một phương án tiết kiệm ngân sách mà lại hiệu quả trong quản lý.

Có ẩn khuất trong quy trình liên kết bán sản phẩm Deaura cho khách hàng

LS. Nguyễn Trí Đức - Giám đốc Công ty Luật 360 cho biết: Theo luật định, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm trả góp thì phải ký hợp đồng tín dụng vay của ngân hàng và đơn vị liên kết (bên bán), có đơn xin đề nghị vay, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Nếu giá trị sản phẩm mua trên 30 triệu đồng, bắt buộc phải có bảng lương được sao kê (công chứng). Hợp đồng cũng phải có thông tin về mục đích vay, với giá tiền cụ thể; người có nhu cầu vay phải chờ tổ chức tín dụng thẩm định trong thời gian nhất định, nếu đạt yêu cầu mới được cho vay; phải có đại diện và được đóng dấu đỏ của ngân hàng.

Đối chiếu những quy định nêu trên, dựa vào thông tin bạn đọc phản ánh, rõ ràng đã có những ẩn khuất trong quy trình liên kết bán sản phẩm giữa Deaura và ngân hàng cho khách hàng. Bên bán đã có dấu hiệu giăng bẫy, đánh vào sự cả tin, ham khuyến mãi của khách hàng dù họ chưa hiểu rõ nội dung các hợp đồng tín dụng, từ đó không lường trước được các tình huống pháp lý sau này.

Riêng về phía ngân hàng liên kết, LS. Đức cho rằng chính đơn vị này cũng đang mạo hiểm, đưa mình vào rủi ro khi không nắm rõ thông tin về tài chính thực sự của khách hàng mà vội vàng ký kết giao dịch. Để bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ: có hay không việc ngân hàng câu kết với Deaura để đưa người tiêu dùng vào bẫy làm con nợ?

Ngọc Thạnh tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên các tuyến đê bờ sông Bùi
6 phút trước Sự kiện
TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê, sạt lở bờ sông Bùi tại huyện Chương Mỹ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty FE Credit phủ nhận việc bị thanh tra vì ‘quấy rối’ người tiêu dùng