Hiện Mỹ vẫn là nhà đầu tư và đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu Mỹ không đầu tư vào Việt Nam thì đó là thiệt thòi của nhà đầu tư Mỹ, bởi họ đã không tham gia vào sân chơi có quy mô và mối liên kết lớn như Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu.
Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức sáng 15.5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc đối thoại ngắn với các doanh nghiệp.
Đặt câu hỏi, ông Nguyễn Anh Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã làm gì để thúc đẩy đầu tư nước ngoài? Việc Mỹ rút khỏi TPP có ảnh hưởng các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam hay không?
Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao. Nó tạo ra sân chơi mới, luật chơi mới, từ đó hình thành một cấu trúc có thể dẫn đến một trật tự thương mại mới trên thế giới.
“Với quy mô, phạm vi có thể nói là lớn nhất trong các hợp tác song phương và đa phương hiện nay, CPTPP tạo các điều kiện về phát triển kinh tế, thương mại đầu tư của các nước thành viên”, Bộ trưởng khẳng định.
Về đầu tư nước ngoài từ các nước CPTPP đối với Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng dòng vốn đầu tư sẽ tăng vì 3 lý do. Một là CPTPP đã xóa bỏ các rào cản về đầu tư, thương mại giữa các nước thành viên. Hai là việc tham gia vào CPTPP sẽ tạo áp lực cho Việt Nam trong việc cải cách.
“Quá trình cải cách đó phù hợp với chủ trương, chính sách mà Việt Nam đang tiến hành, do đó tạo nên thuận lợi cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”, Bộ trưởng nêu.
Thứ 3, theo Bộ trưởng, với việc cải cách và hội nhập như hiện nay, kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển tích cực. Bản thân Việt Nam bây giờ đã là thị trường lớn và đang tham gia rộng rãi vào các hiệp định thương mại khác. Như vậy, quốc tế sẽ cho rằng nếu đầu tư vào Việt Nam thì có nghĩa là làm ăn với một thị trường rất lớn.
“Đây là 3 yếu tố để chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ coi Việt Nam là 1 điểm đến để đầu tư. Cùng với những thuận lợi về vị trí địa lý, dân số, môi trường kinh doanh thì Việt Nam thực sự là nơi đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để tận dụng được cơ hội này thì Chính phủ phải lồng ghép các hiệp định thương mại vào các chương trình, kế hoạch quốc gia. Bên cạnh đó là thực thi nghiêm túc các cam kết và chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, năng lượng, hạ tầng, hàng rào kỹ thuật…
Riêng với đầu tư từ Mỹ, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam và Mỹ đã có nhiều cơ chế hợp tác thông qua các hiệp định thương mai, hiệp định khung về đầu tư và thương mai hay thông qua WTO.
“Hiện Mỹ vẫn là nhà đầu tư và đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu Mỹ không đầu tư vào Việt Nam thì đó là thiệt thòi của nhà đầu tư Mỹ, bởi họ đã không tham gia vào sân chơi có quy mô và mối liên kết lớn như Việt Nam. Tôi cho rằng các nhà đầu tư Mỹ phải xem xét lại việc đầu tư vào Việt Nam, nếu không muốn mất ảnh hưởng trong cuộc chơi quốc tế. Tôi hy vọng Mỹ có thể sớm quay lại Hiệp định TPP”, Bộ trưởng nói.
Cách mạng 4.0 và kế hoạch tập hợp nhân tài Việt
Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng chia sẻ về Đề án Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là huy động sự tham gia rộng rãi của cả một thế hệ người Việt Nam đã và đang rất thành công trong các lĩnh vực về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... cùng với việc hình thành các trung tâm công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu triển khai hiện đại bậc nhất trên thế giới nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp 4.0 phát triển.
Bộ trưởng cho rằng đây là các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thực hiện thành công các nhiệm vụ này sẽ là nhân tố quyết định tạo sự phát triển đột phá trong các ngành, lĩnh vực và của cả nền kinh tế.
"Vừa qua chúng tôi có đi sang Mỹ, đến thung lũng Silicon, chúng tôi thật sự ấn tượng và xúc động khi người Việt Nam đang làm việc tại các vị trí quan trọng các tập đoàn hàng đầu thế giới. Một bạn người gốc Huế, tên Quốc, chưa đến 40 tuổi hiện đang là 1 trong 3 người đóng vai trò quan trọng trong bộ não của Google. Bạn này đang nắm hai dự án thiết kế quan trọng của Google là ô tô tự lái và phát hiện ung thư sớm", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Bộ trưởng cũng khẳng định: "Người Việt đang làm việc khắp nơi mà chưa tận dụng được. Chúng tôi sẽ kiến nghị nhanh chóng thành lập các phòng thí nghiệm, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp startup phát triển. Chúng tôi sẽ huy động nguồn lực xã hội, tận dụng nguồn lực từ các đơn vị kinh tế tư nhân. Thực hiện thành công các nhân tố này có thể tạo nên sự đột phá trong sự phát triển của nền kinh tế".
Theo TS. Võ Trí Thành, tư duy về cách thức quản lý, về sản phẩm đang thay đổi về căn bản. "Nó đang trở thành nền kinh tế của chúng ta. Cách thức chuyển dịch, kinh doanh đều đang thay đổi và làm cho các chi phí liên quan giao dịch, giao tiếp giảm đi nhanh chóng. Qua đó, tạo ra nhiều nền tảng kinh doanh mới và làm lu mờ đi các khái niệm ngành, ví dụ như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, chế biến,…".
Theo ông Thành, một điểm quan trọng cuộc Cách mạng 4.0 là sản phẩm. Hàn Quốc chọn đô thị thông minh là sản phẩm để kéo tất cả các ngành còn lại. "Tập đoàn truyền thống làm ô tô, nhưng ta biết Tesla, Uber làm ô tô, nhưng có thể tương lai họ không gọi là ô tô. Hãy nghĩ, không chỉ ở sản phẩm năng suất hiện có. Việt Nam có ‘tranh thủ’ được không? 80% các doanh nghiệp IT đều nói ‘không’. Vấn đề là 20% người nói ‘có’. Về bản thân tôi là ‘có’ nhưng phải biết lựa chọn, sản phẩm gì sẽ lôi kéo?".
Lam Thanh