Coronavirus đã đưa thế giới vào tình trạng báo động cao, cùng với sự lây lan của virus là tư tưởng kỳ thị phân biệt chủng tộc khiến cho công động người phía đông châu Á trên khắp thế giới bị tổn thương...
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12.2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 14 giờ ngày 7.2, toàn thế giới đã có 31.500 người mắc, 639 người tử vong, trong đó Trung Quốc có đến 637 người chết. Việt Nam ghi nhận có 13 trường hợp nhiễm bệnh.
Thành phố Vũ Hán - trung tâm của ổ dịch viêm phổi do coronavirus gây ra đang bị phong tỏa
Con số người nhiễm bệnh và người chết cứ thế tăng lên từng ngày khiến cho sự hoảng sợ coronavirus đã lan rộng trên toàn thế giới. Hoảng sợ về bệnh dịch là điều dễ hiểu, nhưng điều nguy hiểm hơn là kéo theo đó những thông tin giả cùng những cảnh báo tránh tiếp xúc với người châu Á được phát tán tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội. Không chỉ dừng lại ở đó, nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc đối với người châu Á cũng bắt đầu lan ra bên ngoài cộng động đồng khiến cho những người gốc Á, trong đó có người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới thấy tổn thương và tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Trong bài bình luận về tình trạng phân biệt chủng tộc sau khi corovirus bùng phát, Theverge viết: “Trang Dong, một người Mỹ gốc Việt 21 tuổi, đã đăng một video lên TikTok - mạng chia sẻ video ngắn. Clip ghi lại cảnh Dong và cô ăn em gái đang ăn phở khi cả hai đang cầm đủa và thìa, nhưng Dong đã đưa bát phở lên miệng húp phần nước còn lại. Nội dung video chỉ mang tính giải trí, nhưng đúng thời điểm coronavirus đang bùng phát nên nội dung của Dong nhận được vô số bình luận ác ý mang tính phân biệt kỳ thị chủng tộc kiểu như: “Con dơi trong bát phở của bạn ở đâu?”
Coronavirus không phải là cái cớ để phân biệt chủng tộc - Tựa đề của một bài bình luận trên trang khoa học công nghệ Theverge
Trong một tình huống khác, But một sinh viên gốc Việt đang hoc tại Đại học California, Berkeley, kể rằng trong những ngày xảy ra dịch viêm phổi Vũ Hán, khuôn mặt châu Á của mình đã khiến cô bị bạn bè quốc tế xa lánh, cô cảm thấy khó chịu và tổn thương. Không còn cách nào khác, But buộc phải lên mạng xã hội để “đính chính” rằng cô là người Mỹ gốc Việt cô sinh ra trên đất Mỹ và chưa một lần được về quê hương Việt Nam.
Báo ETtoday News Cloud đưa tin một sinh viên Đài Loan đang theo học tại Đại học quốc gia Moscow ở Nga. Khi anh bước lên xe điện ngầm cùng nhiều hành khách khác thì có một thanh niên Nga nhìm chằm chằm anh, thậm chí còn tra hỏi: "Anh có nhiễm virut không?" và "Nếu là Trung Quốc thì hãy biến nhanh”.
Kiểm tra thân nhiệt một hành khách châu Á tại sân bay quốc tế
Vụ việc chưa kết thúc sớm, sinh viên Đài Loan kể lại rằng anh bị người thanh niên đó đánh vào đầu,và tiếp tục hành hạ mình trên suốt chuyến xe trong sự thờ ơ của những hành khách còn lại. Sau khi sinh viên Đài Loan rời khỏi xe, anh vẫn còn thấy người Nga trong xe đang lườm anh ta qua cửa sổ, cơn giận của thanh niên người Nga vẫn chưa nguôi.
Ngoài chuyên anh sinh viên người Đài Loan bị kỳ thị một cách vô cớ, trong một bản tin khác báo ETtoday News Cloud đưa tin, có 2 phụ nữ - 1 gốc Việt và 1 gốc Campuchia - đã bị tấn công cá nhân khi đi xe buýt ở Paris (Pháp). Họ bị đòi bỏ xuống xe khi một hành khách nói rằng "Có một phụ nữ Trung Quốc ở đó, cô ấy sẽ làm ô nhiễm chúng ta, hãy cho cô ấy về nhà." “Ngay lập tức nhiều người nhìn tôi với vẻ mặt ghê sợ như thể tôi là một con virus", người phụ nữ gốc Việt kể.
Phân biệt đối xử người dân đến từ những vùng dịch do coronavirus gây ra không phải là hiếm. Các phương tiện truyền thông ở một số nước từng gọi coronavirus mới là "virus Trung Quốc" hoặc sử dụng "cảnh báo màu vàng" để đề cập đến nó. Nhiều bài đăng trên Twitter và Facebook đổ lỗi cho người Trung Quốc, hoặc những người có khuôn mặt giống như người Trung Quốc như trường hợp của Dong, và But, chàng sinh viên người Đài Loan, người phụ nữ Việt Nam và Campuchia diễn ra khắp nơi.
Dịch coronovirus đang lan rộng khắp nơi, các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm phương pháp ngăn chặn. Cả thế giới đang gồng mình để chống dịch bệnh, trong khi đó cộng đồng châu Á và đặc biệt là người Trung Quốc trên khắp thế giới đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay này.
Tiểu Vũ