Hồi còn nhỏ, tôi cũng đam mê thư pháp, cũng tập tành vẽ chữ rồi trang trí xanh đỏ mà treo trong nhà và cứ thế suốt ngày tôi cứ ngắm nghía hoài những nét chữ ấy.

Đầu xuân, nghe chuyện thành công của người không chuyên viết tranh thư pháp

03/02/2020, 10:41

Hồi còn nhỏ, tôi cũng đam mê thư pháp, cũng tập tành vẽ chữ rồi trang trí xanh đỏ mà treo trong nhà và cứ thế suốt ngày tôi cứ ngắm nghía hoài những nét chữ ấy.

Anh Lững vẽ chữ trên dừa để bán trong dịp Tết Canh Tý - Ảnh: Khải Trần

Với tôi, hình ảnh ông đồ ngồi chễm chệ bên trong một gian hàng ở hội chợ Xuân của xứ tỉnh lẽ rất là oai phong. Sự oai phong ấy không phải ở ngoại hình của ông thầy đồ mà nó thể hiện ở những đường nét hết sức điệu đà, bay bổng qua từng con chữ Tài, Lộc, Phát… hết sức tài hoa qua bàn tay mềm mại của ông thầy đồ khi có người đến “xin” chữ…

Vậy mà cuối cùng, tôi không đủ bản lĩnh để theo đuổi niềm đam mê thư pháp của mình và chọn theo học ngành xã hội để xây dựng tương lai. Thời học đại học, ở xóm trọ, tôi có quen 1 anh bạn học trên mình 1 khóa, anh cũng rất mê vẽ thư pháp, trong khi đó, anh lại học ngành thủy sản. Như cá gặp nước, tôi và anh cứ xoắn vào nhau, suốt ngày tô vẽ những nét chữ nghệch ngoạc mà nhiều người cứ bảo rằng anh em chúng tôi điên. Tự ái, tôi không vẽ nữa, còn anh bạn thì bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của mọi người, anh vẫn theo đuổi đam mê làm “ông đồ” theo chuẩn thứ thiệt.

Còn nhớ, thời đó, tôi ở cùng phòng với 1 thằng bạn rất ư là háo sắc, nên suốt ngày cứ đi cua gái. Bao nhiêu tiền của gia đình gửi lên, nó đều đổ vào cho gái hết. Để chứng tỏ bản lĩnh của mình trước người đẹp, thằng bạn có nhờ tôi vẽ câu đối rồi đem tặng bạn gái nhân dịp 14.2. Lúc ấy, tôi đâu có còn “phong độ” để vẽ chữ thư pháp nữa. Cũng may, quyết không để mất mặt trước bạn mình, nhân cơ hội bạn đi mua quà tặng bạn gái, tôi liền sang phòng của anh bạn, nhờ anh viết hộ vài chữ, đem về đưa cho anh bạn đóng khung rất hoành tráng để tặng người đẹp.

Thời may, khi nhận được bức thư pháp từ bạn trai, cô gái này gật đầu làm bạn gái của bạn tôi luôn. Thế là, lần đó chúng tôi được bạn “thưởng nóng” 1 chầu thịt chó, vài chai rượu chuối hột rất hoành tráng. Thời sinh viên, ít khi chúng tôi có mồi ngon để nhậu lắm, lâu lâu mới được 1 bữa ăn thịt soạn. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình có cuộc sống “được” hơn hồi đó rất nhiều.

Những bức tranh tự tay anh Lững viết rất có đường nét nên được khách hàng ưa chuộng - Ảnh: Khải Trần

Rồi, anh ra trường với tấm bằng kỹ sư thủy sản trên tay, xin được vào làm ở 1 công ty tôm giống ở Bạc Liêu với mức thu nhập khá. Dẫu vậy, niềm đam mê thư pháp trong anh luôn cháy bỏng, rực lửa, nên làm ở công ty tôm giống một thời gian, anh bỏ việc để lên Sài Gòn học thêm khóa viết thư pháp, với ước mơ làm “thầy đồ”. Ngày anh bỏ việc, gia đình anh khóc hết nước mắt, cha mẹ trách anh sao mà dại thế! Suốt mấy năm trời theo đuổi để học đại học, ra trường, có việc làm ổn định, lương cao, anh lại không làm. Rồi, ông bà giận anh khá lâu, nhưng cuối cùng cũng nguôi ngoai và chấp nhận anh theo học nghề “ông đồ” theo đam mê của anh.

Sau khóa học gần 3 tháng, anh về lại quê hương Bạc Liêu để mưu sinh bằng nghề “bán chữ”. Ban đầu, vì chưa được nhiều người biết đến, cộng với việc thiếu vốn đã khiến công việc kinh doanh của anh gặp không ít khó khăn. Cuối cùng, khi đã hòa nhập với địa phương, các tranh, chữ của anh cung cấp ra thị trường được mọi người đón nhận. Giai đoạn gian khó nhất đã qua đi, danh tiếng của anh được mọi người biết đến. Vì thế, lượng khách hàng tìm đến anh ngày một nhiều hơn. Chữ thư pháp của anh đã cạnh tranh được với chữ của những “thầy đồ” đi trước nhờ chữ viết của anh được nhiều người đánh giá có sức sống, có hồn hơn.

Những ngày đầu xuân Canh Tý, tôi có chuyến đi công tác tại Bạc Liêu - địa phương mà tôi có thời gian gắn bó, học tập rất nhiều năm. Tôi cũng không quên ghé thăm anh - 1 người anh rất gần gũi, giản dị và nghĩa tình. Anh là Trần Quốc Lững - chủ phòng tranh thư pháp Việt Thư, đặt tại trung tâm TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Mỗi quả dừa chưng tết vừa được anh Lững hoàn thành được bán với giá 100.000 đồng - Ảnh: Khải Trần

Giờ anh Lững đã gỡ bỏ cái mác kỹ sư thủy sản ngày nào, thay vào đó, anh có nét rất nghệ sĩ, đúng chuẩn thầy đồ. Gặp lại, anh em chúng tôi tay bắt mặt mừng, nhìn nhau, vui cười khôn xiết. Anh hóm hỉnh: “Giờ tao là ông đồ đúng chuẩn rồi, chữ tao viết đẹp hơn xưa nhiều vì thế giá chữ cũng đắt. Ngày xưa người ta xin, mình cho. Còn bây giờ, mở cửa hàng, khách họ đến mua không à mày ơi. Tết này, anh mày làm không kịp”.

Anh Lững nói, ngày tết, mặt hàng ở phòng tranh của anh rất đa dạng. Ngoài những bức tranh vốn đã khẳng đinh thương hiệu của “thầy đồ” thì anh Lững còn vẽ chữ trên quả dừa, dưa hấu… để bán cho khách hàng có nhu cầu mua trái cây trưng trong dịp tết. Anh nói: “Nhờ anh có hoa tay, (thật sự mà nói thì anh rất tài năng trong lĩnh vực thư pháp) nên viết vừa ý khách. Không những thế, các sản phẩm ở cửa hàng anh được bán với giá phải chăng, hợp lý nên được khách hàng ưa chuộng, đón nhận rất nhiệt tình”.

Hồi cận tết, ghé cửa hàng anh tầm 2 tiếng đồng hồ, nhưng tôi chỉ nói chuyện được với anh chừng 10 phút. Bởi khách cứ vô, ra nườm nượp để mua hàng của anh, trông rất nhộn nhịp. Người vào, kẻ ra và trên nét mặt của từng người đều vui vẻ tươi cười. Với họ, không chỉ nét chữ của người cho đẹp là được. Ngoài yếu tố chữ đẹp, thì cách bán hàng của nơi kinh doanh cũng là yếu tố đem lại sự may mắn cho gia chủ khi mua chữ về treo trong nhà.

Cận cảnh nét chữ thư pháp của anh Lững - Ảnh: Khải Trần

1 khách hàng cho biết: “Tranh của anh Lững viết rất đẹp, anh bán rất có tâm và trách nhiệm. Anh sẵn sàng đổi trả nếu bức đó, chữ đó khách chưa hài lòng. Bán hàng có tâm như vậy thì sẽ được nhiều người tìm đến. Tranh của anh Lững không chỉ được người dân Bạc Liêu biết đến, mà ngay cả những khách hàng ngoài tỉnh chọn mua. Theo đánh giá của tôi, trong giới thư pháp ở Bạc Liêu thì chữ viết của Lững rất đẹp và sống động, có hồn”.

“Mùa Xuân bao giờ khách hàng họ cũng muốn những điều tốt đẹp đến với gia đình. Nên nắm lấy tâm lý đó, tôi luôn rèn luyện nét chữ của mình. Ngoài yếu tố đẹp ra thì nét chữ còn phải có sức sống, phải thổi hồn vào đó thì mới xứng đáng là nét chữ của ngày đầu năm mới. Bởi thế, tôi có được thành công như ngày hôm nay là cũng nhờ vào sự “phá cách” để tìm ra cái mới để khẳng định thương hiệu chữ thư pháp của mình”, anh Lững cho hay.

Khải Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu xuân, nghe chuyện thành công của người không chuyên viết tranh thư pháp