Hôm 30.4, các bộ trưởng kỹ thuật số G7 (nhóm 7 quốc gia tiên tiến) đồng ý nên áp dụng quy định "dựa trên rủi ro" về trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi các nhà làm luật châu Âu vội vàng đưa ra đạo luật AI để thực thi các quy tắc với các ứng dụng mới nổi như ChatGPT.

Cột mốc quan trọng về cách G7 kiểm soát AI trước mối lo quyền riêng tư và rủi ro bảo mật

Sơn Vân | 30/04/2023, 15:42

Hôm 30.4, các bộ trưởng kỹ thuật số G7 (nhóm 7 quốc gia tiên tiến) đồng ý nên áp dụng quy định "dựa trên rủi ro" về trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi các nhà làm luật châu Âu vội vàng đưa ra đạo luật AI để thực thi các quy tắc với các ứng dụng mới nổi như ChatGPT.

Tuy nhiên, các quy định này cũng phải “duy trì một môi trường cởi mở và thuận lợi" cho sự phát triển của các công nghệ AI và dựa trên các giá trị dân chủ, các bộ trưởng kỹ thuật số G7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) nói trong tuyên bố chung vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày tại Nhật Bản. 

Cuộc họp năm nay được chủ trì chung bởi Bộ trưởng số hóa Taro Kono, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Takeaki Matsumoto.  

Các bộ trưởng kỹ thuật số G7 cho biết: “Xét rằng các công nghệ generative AI đang ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia và các lĩnh vực, chúng tôi nhận thấy cần phải nắm bắt cơ hội và thách thức của những công nghệ này trong thời gian tới và tiếp tục thúc đẩy sự an toàn, tin cậy”.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Dù các bộ trưởng kỹ thuật số nhận ra rằng "các công cụ chính sách để đạt được tầm nhìn chung và mục tiêu về AI đáng tin cậy có thể khác nhau giữa các thành viên G7", thỏa thuận này đặt ra một mốc quan trọng về cách các quốc gia lớn quản lý AI trong bối cảnh lo ngại về quyền riêng tư và rủi ro bảo mật.

cot-moc-quan-trong-ve-cach-g7-kiem-soat-ai.jpg
Các bộ trưởng chụp ảnh trong Hội nghị Bộ trưởng công nghệ và kỹ thuật số G7 ở thành phố Takasaki, tỉnh Gunma, Nhật Bản vào ngày 30.4 - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, các bộ trưởng kỹ thuật số G7 kêu gọi sự tham gia rộng rãi hơn của các bên liên quan trong việc phát triển những tiêu chuẩn quốc tế về khuôn khổ quản trị AI và thúc đẩy đối thoại về các chủ đề như đánh giá rủi ro.

Để thúc đẩy cái gọi là Luồng dữ liệu tự do với sự tin cậy, một khái niệm do Nhật Bản đề xuất, các bộ trưởng G7 lưu ý sự cần thiết phải “tăng tốc và vận hành” ý tưởng này, đồng thời cho rằng dữ liệu là “yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển và phúc lợi xã hội”.

Ý tưởng trên nhằm mục đích kích hoạt toàn bộ tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư và bảo mật của các cá nhân và doanh nghiệp.

Theo khuôn khổ cơ cấu tổ chức mới, chính phủ Nhật Bản đang hướng tới vạch ra lộ trình cho các dự án trong tương lai, chẳng hạn tạo ra cơ sở dữ liệu mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để tham khảo những quy định về dữ liệu của nhiều quốc gia khác.

Các bộ trưởng từ G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) cũng thông qua các kế hoạch hành động riêng biệt để quản trị internet và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có khả năng phục hồi trước các rủi ro địa chính trị.

G7 đã thống nhất hợp tác để giải quyết các vấn đề như gián đoạn internet, hạn chế mạng và vi phạm nhân quyền bằng các công cụ kỹ thuật số, cũng như tin giả và các hình thức thông tin sai lệch khác. Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi quyết tâm hợp tác để làm sáng tỏ và đối phó với các chiến thuật của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số”, đồng thời “vẫn cam kết bảo vệ các thể chế và giá trị dân chủ của chúng tôi khỏi các mối đe dọa từ nước ngoài”.

Ngoài ra, G7 cũng cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng mạng an toàn để hỗ trợ các quốc gia mới nổi và đang phát triển, thúc đẩy sự hợp tác để cải thiện kết nối cáp quang dưới biển.

Tuyên bố chung trích dẫn 5 nguyên tắc để các nhà hoạch định chính sách quản lý việc sử dụng AI và các công nghệ mới nổi khác – pháp quyền, quy trình đúng đắn, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và tận dụng các cơ hội đổi mới.

Một trong những công nghệ mới nổi này là các hệ thống vật lý không gian mạng, gửi thông tin từ thế giới thực thông qua các cảm biến và thiết bị khác đến thế giới kỹ thuật số, nơi dữ liệu có thể được phân tích để tạo ra thông tin chi tiết và kiểm soát các quy trình vật lý trong tương lai.

Kết luận của cuộc họp G7 này cho thấy chúng tôi chắc chắn không đơn độc trong vấn đề này”, bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, nói với Reuters.

Các chính phủ đặc biệt chú ý đến sự phổ biến của công cụ generative AI như ChatGPT, chatbot AI do OpenAI phát triển với sự hậu thuẫn của Microsoft. ChatGPT đã trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử sau khi ra mắt vào tháng 11.2022.

Có số lượng người dùng đạt 100 triệu trong vòng chưa đầy ba tháng, ChatGPT được đào tạo từ lượng dữ liệu khổng lồ, cho phép chatbot này xử lý và mô phỏng các cuộc trò chuyện với người dùng giống con người.

Chúng tôi dự định triệu tập các cuộc thảo luận G7 trong tương lai về generative AI, có thể bao gồm các chủ đề như quản trị, cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như bản quyền; thúc đẩy tính minh bạch, giải quyết thông tin sai lệch, gồm cả việc thao túng thông tin bởi các lực lượng nước ngoài”, theo tuyên bố chung của các bộ trưởng kỹ thuật số G7.

Ý, một thành viên G7, đã tạm cấm ChatGPT hôm 31.3 để điều tra khả năng vi phạm các quy tắc dữ liệu cá nhân. Động thái này đã truyền cảm hứng cho các cơ quan quản lý quyền riêng tư của châu Âu tiến hành các cuộc điều tra.

Hôm 27.4, các nhà làm luật EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về dự thảo mới của Đạo luật AI sắp tới, gồm cả các biện pháp bảo vệ bản quyền cho generative AI, sau lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới triệu tập một hội nghị thượng đỉnh để kiểm soát công nghệ đó.

Margrethe Vestager, Giám đốc quy định công nghệ của EU, nói khối này sẽ có thỏa thuận chính trị trong năm nay về luật AI, chẳng hạn nghĩa vụ đánh dấu cho các hình ảnh hoặc âm nhạc do AI tạo ra, để giải quyết các rủi ro về bản quyền và giáo dục.

Trong khi đó, Nhật Bản, Chủ tịch G7 năm nay, đã thực hiện một cách tiếp cận phù hợp với các nhà phát triển AI, cam kết hỗ trợ cho việc áp dụng AI trong công chúng và công nghiệp.

Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản, nói nước này hy vọng G7 đồng ý về quản trị linh hoạt thay vì áp dụng quy định bắt buộc với công nghệ AI.

"Tạm dừng phát triển AI không phải là phản ứng đúng đắn - đổi mới nên tiếp tục phát triển nhưng trong một số rào cản nhất định mà các nền dân chủ phải đặt ra", Jean-Noel Barrot, Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Pháp, nói với Reuters. Ông cho biết thêm Pháp sẽ cung cấp một số ngoại lệ cho các nhà phát triển AI nhỏ dưới quy định của EU sắp tới.

Ngoài những lo ngại về sở hữu trí tuệ, các nước G7 nhận thấy rủi ro về an ninh.

"Generative AI tạo ra tin tức giả mạo và các giải pháp gây rối cho xã hội nếu dữ liệu mà nó dựa trên là giả mạo", Taro Kono, Bộ trưởng kỹ thuật số Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo sau thỏa thuận.

Các quan chức công nghệ hàng đầu từ G7 và EU vừa gặp nhau tại thành phố Takasaki, cách thủ đô Tokyo khoảng 100km về phía tây bắc, sau các cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng và ngoại giao trong tháng này.

Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima vào cuối tháng 5, nơi Thủ tướng Fumio Kishida sẽ thảo luận về các quy tắc AI với các nhà lãnh đạo thế giới.

OpenAI giải quyết các yêu cầu của cơ quan quản lý, ChatGPT được hoạt động lại ở Ý

Hôm 28.4, OpenAI đã khôi phục quyền truy cập chatbot ChatGPT cho người dùng Ý sau khi đã giải quyết những lo ngại do cơ quan bảo vệ dữ liệu của nước này đưa ra.

Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý (Garante) đã thực hiện cuộc điều tra về các kỹ thuật được sử dụng để thu thập thông tin cá nhân của người dùng, với lý do thiếu cơ sở pháp lý biện minh cho việc tổng hợp và lưu trữ dữ liệu người dùng để huấn luyện các thuật toán cho ChatGPT.

Garante cũng viện dẫn những lo ngại về việc không có bộ lọc để đảm bảo rằng những người tương tác với ChatGPT đều trên 13 tuổi.

OpenAI vô hiệu quyền truy cập ChatGPT với người dùng Ý hôm 31.3.

Hôm 28.4, OpenAI cho biết đã đăng lời giải thích về cách thu thập và sử dụng dữ liệu huấn luyện, đồng thời cung cấp khả năng hiển thị tốt hơn cho các chính sách quyền riêng tư và biểu mẫu cho phép người dùng từ chối hoặc rút lại sự đồng ý về việc sử dụng dữ liệu cá nhân.

Công ty có trụ sở ở thành phố San Francisco (Mỹ) cũng thêm một biểu mẫu mới cho những người ở EU muốn phản đối việc sử dụng dữ liệu cá nhân của họ để huấn luyện các chương trình AI, cũng như một công cụ để xác minh độ tuổi ở Ý khi khách hàng đăng ký.

Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của Garante và mong đợi các cuộc thảo luận mang tính xây dựng đang diễn ra”, OpenAI cho biết trong một tuyên bố.

Theo trang Bloomberg, các nhà điều hành tại Ý xác nhận trong một tuyên bố rằng đã cho phép truy cập ChatGPT ở nước này.

Trước đó, hôm 12.4, Garante đã công bố danh sách các yêu cầu mà ChatGPT phải đáp ứng để được hoạt động tại nước này.

Garante yêu cầu OpenAI phải thông báo với người dùng về “phương pháp và logic” đứng sau việc xử lý dữ liệu của ChatGPT. Ngoài ra, Garante cũng yêu cầu OpenAI cung cấp công cụ để cho phép mọi người, dù họ có dùng ChatGPT hay không, được yêu cầu hiệu chỉnh dữ liệu cá nhân không chính xác hoặc xóa dữ liệu.

Theo Garante, OpenAI cũng nên cho phép những ai không phải người dùng dễ dàng phản đối xử lý dữ liệu cá nhân của họ để đào tạo thuật toán. Công ty khởi nghiệp Mỹ cũng cần giới thiệu hệ thống xác thực độ tuổi trước cuối tháng 9, loại trừ khả năng truy cập của người dưới 13 tuổi.

Garante sẽ tiếp tục điều tra các vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu nếu có, bảo lưu quyền áp đặt bất kỳ biện pháp nào cần thiết vào giai đoạn cuối cuộc điều tra.

Bài liên quan
Lý do Meta tụt lại trong cuộc đua AI và gần đây mới đuổi theo OpenAI, Microsoft, Google
Vào cuối mùa hè năm 2022, Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành Meta Platforms đã tập hợp các cộng sự hàng đầu của mình để thảo luận trong 5 giờ về năng lực tính toán của công ty để tập trung vào khả năng thực hiện công việc trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cột mốc quan trọng về cách G7 kiểm soát AI trước mối lo quyền riêng tư và rủi ro bảo mật