Các màn khẩu chiến giữa Úc và Trung Quốc về COVID-19 đã leo thang trong tuần này. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước đã âm ỉ trong hơn 1 năm qua khi chính quyền Canberra cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào nội bộ cũng như kiểm soát các đảo chiến lược ở Nam Thái Bình Dương.

COVID-19, ‘giọt nước tràn ly’ trong quan hệ vốn đã rạn nứt Úc - Trung

03/05/2020, 15:59

Các màn khẩu chiến giữa Úc và Trung Quốc về COVID-19 đã leo thang trong tuần này. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước đã âm ỉ trong hơn 1 năm qua khi chính quyền Canberra cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào nội bộ cũng như kiểm soát các đảo chiến lược ở Nam Thái Bình Dương.

Úc đã trở thành một trong những nhà phê bình Trung Quốc mạnh mẽ nhất về cách xử lý sự lây lan của đại dịch COVID-19 - Ảnh: The Canberra Times

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đương nhiên phải trả lời những câu hỏi và cung cấp thông tin để mọi người có thể hiểu chính xác những gì đã xảy ra bởi vì chúng tôi không muốn nó được lặp lại", Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton nói hôm 17.4.

Thay vì nhún nhường, Trung Quốc đã phản bác gay gắt những lo ngại của Úc và đe dọa quốc gia châu Đại Dương này bằng một cuộc tẩy chay kinh tế lớn, đồng thời cáo buộc Úc làm “công việc xấu xa của Mỹ”.

"Rõ ràng (Dutton) cũng đã nhận được một số chỉ thị từ Washington yêu cầu ông ta hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến tuyên truyền chống Trung Quốc... Một số chính trị gia Úc đã nói những điều giống như Mỹ đã nói nhằm tiến hành các cuộc tấn công chính trị vào Trung Quốc. Hành động của họ cho thấy sự thiếu hiểu biết, cố chấp và không có chính kiến. Thật đáng buồn!”, một quan chức đại sứ Trung Quốc cho hay.

Mặc dù việc thúc đẩy cuộc điều tra của Úc có thể sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người gần đây đã khiến Trung Quốc nổi giận vì luôn hướng những chỉ trích về phía Bắc Kinh. Các đồng minh Anh và Pháp dường như không mặn mà lắm với lời kêu gọi của Canberra khi cho rằng bây giờ không phải lúc để quy trách nhiệm, nhưng điều này đã không làm chùn bước Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Canberra khi được hỏi liệu Úc có tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra độc lập về COVID-19 hay không, ông Morrison cho biết chính quyền Canberra “tất nhiên sẽ tiếp tục theo đuổi hành động hợp lý và đúng đắn, bởi đây là loại vi rút đã cướp đi hơn 200.000 sinh mạng, khiến nền kinh tế toàn cầu bị ngưng trệ, tác động của nó rất nghiêm trọng”.

“Bây giờ, việc thế giới mong muốn một cuộc điều tra độc lập là hoàn toàn có lý khi tất cả mọi người đều muốn có một đánh giá độc lập về dịch bệnh đã xảy ra như thế nào, từ đó chúng ta mới có thể rút được bài học và ngăn chặn nó xảy ra lần nữa”, nhà lãnh đạo Úc nói.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho rằng đề xuất của Úc đã cản trở hợp tác quốc tế về phòng chống dịch bệnh, đồng thời chỉ trích một số quan chức Úc là “cái loa phát thanh” của Washington để nhằm giành được sự ưu ái hơn từ Mỹ, quốc gia vốn đã liên tục chỉ trích Trung Quốc và WHO về COVID-19.

Một bài xã luận được đăng trên Thời báo Toàn cầu - thuộc sự quản lý của cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - nhấn mạnh: "Washington từ giờ trở đi sẽ không nói gì tích cực về Trung Quốc, và liên tục lên án Bắc Kinh. Họ có một vài chư hầu như Úc. Nhưng những nước này hầu như không thể ảnh hưởng đến chúng tôi".

Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, đã viết trên mạng xã hội Weibo rằng mối quan hệ giữa Úc và đối tác thương mại lớn nhất của họ - Trung Quốc - có khả năng xấu đi nhiều như mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Chỉ trích Úc vì đã tham gia cùng với Mỹ trong các động thái nhắm vào Trung Quốc, ông Hồ Tích Tiến viết: "Sau khi dịch bệnh kết thúc, chúng ta cần có nhận thức về rủi ro nhiều hơn khi làm ăn với Úc và cả khi chúng ta gửi con đến học. Úc luôn ở đó và luôn gây rắc rối. Điều này hơi giống như kẹo cao su bị kẹt ở đế giày. Đôi khi bạn phải tìm một hòn đá để chà xát nó".

Hôm 28.4, nhà lãnh đạo Đảng Lao động Úc Anthony Albanese đã nhắc lại rằng đất nước của ông muốn có mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng "nó phải được xây dựng dựa trên mức độ tin cậy và minh bạch - và tính minh bạch là những gì được yêu cầu từ các đánh giá về vi rút và cách thức xử lý dịch".

Cùng ngày, đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) trong cuộc điện đàm với Thư ký của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFTA) Frances Adamson nói rằng việc Thủ tướng Úc thúc đẩy điều tra quốc tế về COVID-19 là "nguy hiểm" và sẽ không nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo toàn cầu.

Ông Thành cảnh báo hành động này của Canberra có thể châm ngòi cho làn sóng tẩy chay của sinh viên và du khách Trung Quốc tới Úc, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các nông sản như rượu vang, thịt bò của Úc sang nước này, theo nội dung tóm tắt điện đàm được truyền thông Úc đăng tải.

Bản tóm tắt cho biết bà Adamson đã cố gắng bảo vệ cuộc điều tra về đánh giá độc lập và phủ nhận nó có động cơ chính trị, trong khi đại sứ Trung Quốc nói "bất kể lý do nào mà phía Úc đưa ra, thực tế không thể chôn vùi rằng động thái này mang màu sắc chính trị”.

Dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng các mối quan hệ ngoại giao đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây trong bối cảnh Úc cáo buộc Bắc Kinh đã thực hiện các cuộc tấn công mạng và đã cố gắng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính quyền Canberra.

Đáng chú ý, cơ quan An ninh tình báo (ASIO) đã tiết lộ hồi cuối năm ngoái rằng tình báo Trung Quốc, đã đề nghị số tiền 1 triệu đô Úc (khoảng 679.000 USD) để trả cho một nhà kinh doanh xe hơi tên là Bo "Nick" Zhao, 32 tuổi, để người này tham gia chạy đua vào ghế quốc hội liên bang Úc. Tuy nhiên, tháng 3.2019, ông Zhao được phát hiện tử vong trong một nhà nghỉ ở Melbourne. Cảnh sát địa phương chưa thể kết luận về nguyên nhân cái chết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã bác bỏ các cáo buộc, cho rằng các chính trị gia và phóng viên Úc đang bị “hoang tưởng”.

"Cho dù cốt truyện kỳ ​​quái đến mức nào và những mánh khóe của chúng được tân trang như thế nào, đó luôn luôn là những điều dối trá. Trung Quốc chưa bao giờ quan tâm đến việc can thiệp vào nội bộ của nước khác", ông Cảnh nói và đề nghị Úc có thái độ lành mạnh đối với Trung Quốc vì lợi ích của quan hệ song phương.

Bên cạnh đó, đối đầu Úc - Trung cũng đã leo thang liên quan tới một chuỗi 14 hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, bao gồm cả Fiji và Tonga, vốn đã trở thành ưu tiên chiến lược với Trung Quốc và Úc.

"Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng các nền dân chủ non trẻ của các quốc gia Thái Bình Dương dễ bị lôi kéo và thao túng. Điều này đã đặt nền tảng cho sự bành trướng của Trung Quốc, ban đầu về mặt kinh tế, với mục tiêu dài hạn là sự hiện diện quân sự để cạnh tranh với các nước khác”, một chuyên gia nhận định.

Khi sự bùng phát COVID-19 trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để hâm nóng quan hệ với nhiều nhà lãnh đạo của các quốc đảo bằng cách cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và y tế “hào phóng”, vượt mặt Úc - nhà viện trợ lớn nhất tại Thái Binh Dương.

Hoàng Vũ (theo Fox News)

Bài liên quan
Các thầy cô hào hứng học cách xây dựng 'tiết học hạnh phúc'
Ngày thứ 2 (vào ngày 24.11) của hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục - 2024" thu hút sự quan tâm đặc biệt của giáo viên và những người trong ngành giáo dục nói chung. “Tôi đã thu nhận được những kỹ năng và phương pháp thực sự hữu ích, như cách giao tiếp với học sinh ra sao để khơi dậy năng lực tư duy của các em” - cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) hào hứng cho biết ngay sau khi tham gia các chia sẻ chuyên đề trong buổi sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19, ‘giọt nước tràn ly’ trong quan hệ vốn đã rạn nứt Úc - Trung