Trang Sixth Tone cho biết khi việc bán hàng rong bùng nổ trở lại trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc khó khăn, một mặt hàng mới bất ngờ được bày bán. Đó chính là kiến thức.
Tại các thành phố lớn, một số sinh viên không chọn mở quán ăn đường phố đơn giản như nhiều thanh niên đã làm mà lại “bán” kiến thức mình học được cho người qua đường. Việc này đã góp phần tạo nên trào lưu “bán rong kiến thức”.
Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongsu có không ít cử nhân lẫn thạc sĩ chia sẻ trải nghiệm này. “Hàng hóa” họ bán gồm có xem bói bài, tư vấn sức khỏe tâm thần, tư vấn pháp lý.
Trào lưu nêu trên ngày càng phổ biến trong thời điểm giới trẻ của đất nước tỷ dân đối mặt với thị trường việc làm vô cùng khó khăn, giá trị của tấm bằng đại học bị nghi ngờ. Thời gian gần đây truyền thông Trung Quốc liên tục kêu gọi nhóm dân số trẻ tuổi cởi mở hơn với những con đường sự nghiệp khác.
“Bán rong kiến thức” lần đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng vào tháng 5, khi một thạc sĩ tốt nghiệp Trường Kinh tế - Chính trị Luân Đôn chia sẻ ảnh chụp anh cung cấp dịch vụ “tư vấn chính trị học” ngay trên phố. Người này tự giới thiệu hiểu rõ cục diện tình hình Nga - Ukraine, lý luận về hiện đại hóa, chủ nghĩa dân túy, chính trị bản sắc… Bức ảnh kèm theo chú thích “tự hạ thấp bản thân”, làm dấy lên tranh luận về “bán rong kiến thức”.
Giáo sư tâm lý học Qian Jing (Đại học Sư phạm Bắc Kinh) đánh giá đây là việc làm có ý nghĩa, cho phép người trẻ tách biệt với xã hội hòa nhập và giải tỏa áp lực.
“Biết rằng kiến thức học được giúp giải thích vấn đề thực tế của người khác, có người sẵn sàng trả tiền để được nghe sẽ giúp tâm lý trở nên thoải mái hơn”, giáo sư Qian nói.
Thạc sĩ Li Bingqian (25 tuổi) thử “bán rong kiến thức” tại thành phố Thẩm Quyến vào tháng 1. Cô viết thư pháp theo yêu cầu. Li chia sẻ với Sixth Tone rằng bản thân thích sự linh hoạt của công việc và nói rằng “bán rong kiến thức” phù hợp cho người trẻ tuổi muốn được độc lập về tài chính bằng cách làm thêm việc bán thời gian.
“Đây là kết quả tự nhiên của văn hóa hàng rong ngày càng phổ biến”, theo Li.
Sau khi kiếm được 2.400 nhân dân tệ (336 USD) trong 7 ngày, Li dự định tiếp tục “bán rong kiến thức” trong năm tới. Cô không thấy xấu hổ với công việc bán thời gian của mình. Gia đình, bạn bè rất ủng hộ. Li chia sẻ: “Thật tuyệt khi có cơ hội gặp gỡ nhiều người và hiểu rõ hơn về xã hội”.
Từ năm 2020, hàng rong trở thành cứu cánh cho kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Thời gian qua hàng loạt thành phố lớn như Thẩm Quyến, Thượng Hải, Hàng Châu đều dỡ bỏ hạn chế với hàng rong để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, giải quyết việc làm cho người dân.