Cử tri và nhân dân phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách trong phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi.

Cử tri phẫn nộ trước việc lợi dụng đại dịch COVID-19 để trục lợi

Lam Thanh | 23/05/2022, 11:15

Cử tri và nhân dân phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách trong phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi.

Ngày 23.5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp.

Phẫn nộ trước hành vi trục lợi trong đại dịch COVID-19

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Nhà nước trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt đánh giá cao chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả…

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi; một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn, liên quan nhiều bộ, ngành và địa phương, một số cán bộ, đảng viên tiếp tay, bao che cho việc phạm tội làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm, không bỏ lọt tội phạm, thông tin kịp thời công khai, minh bạch tiến độ, kết quả điều tra, xét xử để nhân dân biết và giám sát.

Cử tri và nhân dân bày tỏ lo ngại các di chứng về sức khỏe hậu COVID-19, lo lắng về việc nhiều viên chức trong ngành y tế không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đồng thời mong muốn được biết tình hình kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 hiện nay như thế nào, bởi thực tế Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để thực hiện.

chien.jpg
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo tiến hành thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh, phát hiện nhiều sai phạm và đã chuyển Bộ Công an điều tra, làm rõ 7 vụ việc có tính chất, mức độ nghiêm trọng.

Đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân nhận biết, hiểu đúng và đủ về các triệu chứng hậu COVID-19, nâng cao chất lượng khám chữa, bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân sau nhiễm COVID-19; xem xét điều chỉnh quy định 5K của Bộ Y tế cho phù hợp với tình hình mới.

Sốt đất ảo phức tạp

Về tình hình phát triển kinh tế, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm và lo lắng về những thách thức lớn hậu COVID-19. Sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; áp lực lạm phát gia tăng, nhất là do giá đầu vào tăng như: xăng, dầu, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp...

Ngoài ra, việc thực hiện một số nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn. Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng có thể dẫn tới lũng đoạn thị trường cần được các cơ quan chức năng tập trung xử lý. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn...

Sự phối hợp của một số cơ quan trong xử lý công việc còn chưa nhịp nhàng, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác phân tích, đánh giá, dự báo tình hình đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu...

Cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, đạt tỷ lệ rất thấp; giá xăng, dầu, giá chi phí vật liệu xây dựng và lạm phát thế giới tăng cao, giá một số nông sản thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn.

Cử tri và nhân dân cho rằng công tác quản lý đất đai vẫn chưa thực sự minh bạch đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các quy định về điều chỉnh quy hoạch, về thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, đấu giá đất, nhiều giao dịch về đất đai có hiện tượng làm giá, mua đi bán lại đẩy giá tăng cao bất thường nhằm tạo "cơn sốt đất ảo" để kiếm lời diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố... chưa chặt chẽ, nhiều kẽ hở dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm.

Cử tri và nhân dân mong muốn Nhà nước sớm có giải pháp hữu hiệu, kịp thời hơn nữa để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định, cộng đồng doanh nghiệp, người dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với sản xuất, kinh doanh trên đà phục hồi trở lại hoạt động bình thường và mùa hè đã đến nên nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao, cần chủ động có giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời điện cho sản xuất và mọi mặt của đời sống; giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để tránh đầu cơ trục lợi, gây tổn hại cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân cả nước.

Đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu khoa học không nghiêm túc

Cử tri và nhân dân cũng cho rằng việc dự báo chưa kịp thời về sự bất thường của thời tiết mưa to, ngập lụt, gây thiệt hại lớn về vật chất của người dân ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên những ngày đầu tháng 4.2022; lo ngại việc quản lý, bảo tồn Rừng quốc gia Cát Tiên bị vi phạm do việc mở đường; tình trạng ngư dân bị phá sản do thực hiện mua sắm tàu đánh cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

qh.jpg
Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15

Cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về việc nếu đưa môn lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường; việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; công tác quản lý, nghiên cứu khoa học chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm chất lượng rất đáng lo ngại.

Cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm tổ chức tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như những hạn chế, bất cập, những hậu quả để lại do việc phải tổ chức dạy và học trực tuyến do đại dịch COVID-19 trong một thời gian dài vừa qua. Trong đó, cần quan tâm nhất là chất lượng dạy, học và sức khỏe, tâm lý học sinh; về công tác dạy và học từ khi học trực tiếp trở lại để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tri phẫn nộ trước việc lợi dụng đại dịch COVID-19 để trục lợi