Các mỹ viện bắt đầu xuất hiện, không chỉ làm đẹp cho mái tóc (uốn, nhuộm đen, hung, bạch kim), mà còn lấy cao trắng răng, nâng ngực, làm rậm lông mày, uốn mi, xóa tàn nhan.

Cuộc canh tân áo dài những năm 1930 tác động tới lĩnh vực làm đẹp ra sao?

29/06/2020, 08:38

Các mỹ viện bắt đầu xuất hiện, không chỉ làm đẹp cho mái tóc (uốn, nhuộm đen, hung, bạch kim), mà còn lấy cao trắng răng, nâng ngực, làm rậm lông mày, uốn mi, xóa tàn nhan.

Trong tham luận tại hội thảo khoa học Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc, diễn ra ở Hà Nội mới đây, TS Nguyễn Thị Kim Đức, Viện Dệt may - Da giày và Thời trang Áo dài Việt Nam - cho biết áo dài phụ nữ Việt Nam đã trải qua 3 đợt canh tân lớn.

Lần một diễn ra vào những năm 30 thế kỷ 20. Lần hai vào những năm 60-70. Lần ba vào những năm 90 cũng vào thế kỷ này.

Hướng đến chuẩn mực mới về hình thể phụ nữ

Bà Kim Đức cũng cho biết cuộc canh tân áo dài đầu tiên diễn ra trong bối cảnh quan niệm về thẩm mỹ về vẻ đẹp của phụ nữ bắt đầu thay đổi, do sự tiếp xúc giữa văn hóa cổ truyền Việt Nam và văn hóa phương Tây.

Áo dài lúc này đã trở thành phần thi để đánh giá vẻ đẹp của các thí sinh trong các cuộc thi sắc đẹp...

Trong bối cảnh như vậy, áo dài Việt Nam bước vào giai đoạn cách tân biến đổi theo xu hướng tiếp nhận những nhân tố mới ở phương Tây.

Năm 1934, trên chuyên đề Đẹp của báo Phong hóa, họa sĩ Nguyễn Cát Tường giới thiệu bộ sưu tập “Hoa hồng giờ Tý” gồm những mẫu áo được đặt tên là “Le Mur”.

Dù tạo được tiếng vang lớn, “Áo dài Le Mur” gặp phải sự chống đối khá kịch liệt của những nhà nho hủ cựu.

Trong bài Thế nào là Đẹp đăng trên Ngày nay số 25 ra ngày 13/9/1936, Cát Tường đưa ra tỷ lệ chuẩn của một người phụ nữ đẹp tuyệt mỹ. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Cũng liên quan “Áo dài Le Mur”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng họa sĩ Cát Tường đã cách tân áo dài 5 thân truyền thống một cách “táo bạo”. Ông đã phá đi cái nguyên tắc “che cổ, bịt tóc” ngàn xưa của người Việt. Áo dài của ông rất Âu hóa nên được phụ nữ cấp tiến đón nhận.

TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại Huế, từ nghiên cứu các bài viết của họa sĩ Cát Tường trên báo Phong hóa và Ngày nay từ năm 1932-1940, cho rằng: “Áo dài Le Mur / Cát Tường” cũng tạo nên dấu ấn đặc biệt trong phương diện mỹ thuật, làm dấy lên phong trào ăn mặc tân thời, khiến cho “kẻ công kích, người khuyến khích” và “làm tốn mực, giấy cho các nhà văn”.

Bà Tâm Hạnh cũng cho rằng những cách tân trong kiểu dáng cắt may "Áo dài Lemur" của Cát Tường hướng đến các chuẩn mực mới về hình thể của phụ nữ; giải phóng cơ thể; chú trọng yếu tố cá nhân, vệ sinh và thẩm mỹ.

Từ cách tiếp cận chuẩn mực của người phương Tây theo tỷ lệ hình thể, dưới nhãn quan của người nghệ sĩ, Cát Tường đã cách tân Áo dài hướng đến tiêu chí làm nổi bật vòng 1 (ngực), phân biệt với vòng 2 (eo). Cát Tường cũng quan niệm một người con gái đẹp mà “không có ngực” thì không thể là người đẹp hoàn toàn được.

Hình ảnh về bài tập nâng cao vòng ngực đăng trên Phong hóa số 102, ra ngày 15/5/1934. Ảnh chụp lại từ kỷ yếu của hội thảo.

Để có một bộ ngực “cứng cáp, nở nang, đẹp đẽ” quan hệ mật thiết với sức khỏe, Cát Tường hiến kế bằng bài tập thể dục chống đẩy để tăng kích thước ngực, vừa thu nhỏ phần eo.

Bên cạnh đó, để tạo sự thon thả cho vùng bụng, Cát Tường tìm cách khắc phục nhược điểm của chiếc quần giải rút bằng cách thu hẹp phần cạp và phần trên của ống quần, đồng thời làm tôn vòng 3 mà ông nói ý nhị “như thế những vẻ đẹp thiên nhiên của từng người mới lộ ra”.

Kiểu tóc mới và nhu cầu làm đẹp khác

Cũng theo bà Tâm Hạnh, cùng việc làm nổi bật tỷ lệ 3 vòng, “Áo dài Le Mur” của Cát Tường cũng hướng đến tôn chiều cao và tạo cảm giác mềm mại cho người mặc.

Nhận thấy nhược điểm của “đàn bà Việt Nam phần nhiều lùn…, khó làm tôn vẻ đẹp của mình lên được”, Cát Tường tư vấn một bài thể dục của bác sĩ Pagès. Đồng thời, ông cũng thu hẹp tà áo từ bụng trở xuống để làm mất vẻ “lòe xòe” và tạo sự thanh cảnh.

Nhằm đem lại “một phần giá trị và hạnh phúc cho phụ nữ”, những phá cách thiết kế của Cát Tường đã không dừng lại ở chỗ tạo cho nữ giới nói chung có cơ hội điểm trang, phô diễn những đường nét của phái đẹp. Ông còn phá vỡ sự “giống nhau” và “tùy mực thước thân hình của mỗi bạn” để có kiểu vẽ riêng.

Áo dài Cát Tường (1938). Ảnh của nhà nghiên cứu Trịnh Bách sưu tầm.

Với phụ nữ béo, ông thiết kế gọn ghẽ, họa tiết nhỏ, sọc dọc, ngược lại phụ nữ cao gầy lại lựa chọn tay bèo, phồng, viền ngang ở tà và các họa tiết ngang nhằm tạo cảm giác cân đối.

Không dừng lại ở đó, họa sĩ Cát Tường còn gợi ý những phụ kiện đi kèm “Áo dài Le Mur” như giày cao gót, ví cầm tay, áo lót nâng ngực, chiếc khăn sam. Bên cạnh đó, Cát Tường cũng gợi ý những kiểu tóc mới và các nhu cầu làm đẹp khác.

Thay cho nguyên tắc “che cổ, giấu tóc”, cùng chiếc “cổ mở” của áo dài, chị em chuyển từ rẽ tóc mái lệch nhưng vẫn giấu tóc trong khăn vấn sang búi hoặc kẹp tóc (bỏ chiếc khăn vấn) và cuối cùng là thả tóc tự do và uốn tóc “phi dê”.

Các mỹ viện bắt đầu xuất hiện, không chỉ làm đẹp cho mái tóc (uốn, nhuộm màu đen, hung, bạch kim), mà còn lấy cao trắng răng, nâng ngực, làm rậm lông mày, uốn mi, xóa tàn nhan….

Bà Tâm Hạnh cũng cho biết mặc dù còn những ý kiến khen chê khác nhau, “Áo dài Le Mur” đã không ngừng lan tỏa từ Bắc vào Nam. Thậm chí, họa sĩ Cát Tường từng được Nam Phương hoàng hậu mời thiết kế tủ áo dài riêng cho mình.

Theo Zing

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc canh tân áo dài những năm 1930 tác động tới lĩnh vực làm đẹp ra sao?