Triều Tiên thời gian qua đã vượt lên dẫn trước láng giềng Hàn Quốc trong cuộc chạy đua tên lửa tầm ngắn, giúp họ tiến đến gần hơn việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Cuộc chạy đua tên lửa liên Triều

Cẩm Bình | 31/03/2021, 08:23

Triều Tiên thời gian qua đã vượt lên dẫn trước láng giềng Hàn Quốc trong cuộc chạy đua tên lửa tầm ngắn, giúp họ tiến đến gần hơn việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Chương trình phát triển tên lửa đủ khả năng tránh bị phát hiện, tấn công chính xác mục tiêu ở Hàn Quốc của Triều Tiên tăng tốc kể từ khi chính quyền Bình Nhưỡng quyết định tạm ngừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) năm 2018.

Trong khi đó, một thỏa thuận giữa hai chính quyền Washington - Seoul ký năm 2017 dỡ bỏ giới hạn về tải trọng tên lửa cho Hàn Quốc. Nhờ vậy họ phát triển được ít nhất một thứ vũ khí hạng nặng có thể đánh chặn sự tấn công từ Triều Tiên.

Các tên lửa mới Triều Tiên phóng tuần trước dường như nhằm mục đích thể hiện họ sánh ngang hoặc vượt trội hơn kho vũ khí mà Hàn Quốc đang âm thầm mở rộng. Đây cũng là loạt vụ thử đầu tiên từ lúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nước này có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để phù hợp với vũ khí chiến thuật.

Giới chức Seoul xem tên lửa đạn đạo tầm ngắn cỡ lớn (SRBM) là khí tài hữu hiệu giúp họ giảm phụ thuộc Mỹ trong vấn đề phòng vệ.

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo tự hào thông báo Hàn Quốc đã phát triển một loại tên lửa có tầm bắn đủ dài và mang đầu đạn nặng nhất thế giới: tên lửa Hyunmoo-4 tầm bắn 800km, tải trọng 2 tấn.

Phía Triều Tiên nay cho biết SRBM mới nhất của họ mang được đầu đạn 2,5 tấn. Bà Kim Yo-jong - em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un - nhấn mạnh nước này có quyền phát triển tên lửa nhằm đối phó mối đe dọa từ Hàn Quốc.

Học giả Joshua Pollack thuộc Viện Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin nhận xét: “Vì Hàn Quốc phát triển SRBM, Triều Tiên thấy bị tụt lại phía sau”.

yq-nkmil-30032021.jpg
Tạm ngừng thử đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên tập trung phát triển tên lửa tầm ngắn phóng từ đất liền hoặc từ tàu ngầm - Ảnh: Reuters

Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, các tên lửa mới Triều Tiên phóng tuần trước mang được đầu đạn hạt nhân. Chuyên gia vũ khí Markus Schiller cảnh báo một khi làm chủ được công nghệ, đầu đạn hạt nhân hoàn toàn có thể nhẹ hơn đầu đạn thông thường.

Chuyên gia Joseph Dempsey thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cũng lưu ý tên lửa Triều Tiên vừa phô diễn khả năng bay tầm thấp rồi vọt lên lúc gần đến mục tiêu.

“Nếu được triển khai, các SRBM này sẽ cho phép Triều Tiên tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc chính xác hơn”, theo chuyên gia Dempsey.

Hôm 26.3, tổ chức nghiên cứu 38 North đăng tải ảnh vệ tinh về hoạt động ở một xưởng tàu, cho thấy tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đóng sắp hoàn thành.

Phát biểu cuối tuần trước về loạt vụ phóng của Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định năng lực tên lửa Hàn Quốc đạt “đẳng cấp thế giới”.

Sau lần thử Hyunmoo-4 năm 2020, Hàn Quốc tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa triển khai trên mặt đất khác để tiêu diệt pháo binh dưới lòng đất.

Truyền thông Hàn Quốc cũng tiết lộ nước này chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đầu tiên của họ. SLBM mới được phát triển dựa trên tên lửa Hyunmoo-2B, mang đầu đạn thông thường, có thể phóng từ tàu ngầm KSS III.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chạy đua tên lửa liên Triều