Chính phủ Thái Lan hôm thứ hai, 29.3 đã bác bỏ cáo buộc rằng họ đang hỗ trợ chính quyền quân sự Myanmar (Junta).

Máy bay từ Myanmar oanh tạc gần biên giới Thái Lan, Bangkok bác bỏ việc ủng hộ Junta

30/03/2021, 08:05

Chính phủ Thái Lan hôm thứ hai, 29.3 đã bác bỏ cáo buộc rằng họ đang hỗ trợ chính quyền quân sự Myanmar (Junta).

Đồng thời Bangkok cho biết họ đang chuẩn bị cho một làn sóng người tị nạn có thể xảy ra khi xung đột chính trị xuyên biên giới leo thang.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ quân đội Myanmar theo những cách nào? Không ai ủng hộ việc sử dụng bạo lực chống lại người dân".

Tướng Prayut đưa ra nhận định trên khi phát biểu trước giới truyền thông tại Tòa nhà Chính phủ hôm 29.3 - hai ngày sau khi ghi nhận ít nhất 90 công dân Myanmar, gồm cả một số trẻ em, thiệt mạng sau khi lực lượng an ninh Myanmar nổ súng vào những người biểu tình chống đảo chính. Trong khi số người chết kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2 tăng lên hơn 460 người vào hôm 29.3, quân đội Myanmar đã tổ chức một màn phô trương sức mạnh vào dịp Ngày Lực lượng Vũ trang hằng năm của họ.

Thủ tướng Prayut cũng biện hộ về quyết định của quân đội Thái Lan trong việc cử đại diện tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang, đồng thời cho rằng Thái Lan cần tham gia và duy trì một kênh liên lạc.

"Đó là một kênh quân sự. Chúng ta cần các cơ chế cho phép chúng ta theo dõi các diễn biến chính trị ở Myanmar, quốc gia có chung đường biên giới và tác động đến chúng ta", ông nói.

Tướng Prayut cho biết các nhà chức trách đang chuẩn bị cho một làn sóng người tị nạn có thể chạy trốn khỏi bạo lực ở Myanmar.

"Chúng ta không muốn một cuộc di cư vào lãnh thổ của mình, nhưng chúng ta cũng sẽ tuân thủ nhân quyền", Tướng Prayut nói trong khi từ chối ước tính số người có thể chạy trốn qua biên giới sang Thái Lan.

Tướng Prayut cho biết các hoạt động kinh tế giữa Thái Lan và Myanmar vẫn tiếp tục như bình thường vì chúng rất quan trọng đối với sinh kế của người dân ở cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, ông cho biết chính phủ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng điều này trước các biện pháp mà ASEAN và các tổ chức quốc tế khác áp đặt.

Trong khi đó, khi được hỏi về bạo lực chính trị ở Myanmar, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon hôm 29.3 nói rằng Thái Lan sẽ tiếp tục cam kết với nguyên tắc không can thiệp của ASEAN.

Khi được hỏi về cuộc đàn áp những người biểu tình chống đảo chính, Tướng Prawit nói: "Tôi không can dự. Tôi không soi mói".

Tại tỉnh biên giới Mae Song Hon, các nhà chức trách đang chuẩn bị cho một làn sóng người tị nạn sau khi có báo cáo về các cuộc không kích gần biên giới Thái Lan-Myanmar.

Dân làng Thái Lan ở Mae Sam Lap thuộc huyện Sop Moei nói với các quan chức huyện rằng họ phát hiện máy bay từ Myanmar vào chiều 29.3.

Khoảng 3.000 dân làng Karen đã vượt sông Salween từ Myanmar vào tỉnh Mae Hong Son của Thái Lan vào Chủ nhật 28.3 vì lo sợ một cuộc không kích khác vào hôm đó.

Tỉnh trưởng Sitthichai Chindaluang hôm 29.3 cho biết các biện pháp đã được triển khai để tiếp nhận người tị nạn. Ông nói rằng những người chạy trốn sẽ được phân loại để xem ai có thể ở lại và ai phải hồi hương nhưng những người tị nạn sẽ chỉ được phép ở gần biên giới.

Một nguồn tin cho biết, gần 2.200 người đã chạy qua biên giới đến huyện Mae Sariang thuộc tỉnh Mae Hong Son sau cuộc không kích vào một căn cứ quân sự do Liên minh Quốc gia Karen (KNU) kiểm soát, nằm đối diện với huyện Mae Sariang, khiến một binh sĩ thiệt mạng và hai người khác bị thương.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã gọi tình hình ở Myanmar là "một thảm kịch đang diễn ra", nói rằng điều cần thiết là các nước Đông Nam Á phải có lập trường về vấn đề này.

"Sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết. Tôi phải thú nhận rằng tôi rất bi quan", ông Balakrishnan than thở hôm 29.3.

Ông Balakrishnan đã lên tiếng mạnh mẽ về cuộc đảo chính và sau đó là đàn áp, đồng thời kêu gọi ASEAN đóng một vai trò tích cực hơn trong việc tìm cách cho Myanmar thoát khỏi khủng hoảng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
9 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Máy bay từ Myanmar oanh tạc gần biên giới Thái Lan, Bangkok bác bỏ việc ủng hộ Junta