Một bang gần biên giới của Ấn Độ rút lại lệnh từ chối cung cấp thực phẩm và nơi ở cho những người trốn chạy khỏi Myanmar sau khi biện pháp này bị công chúng chỉ trích dữ dội.

Ấn Độ bỏ lệnh cấm nhận người trốn chạy khỏi Myanmar, Thái Lan đề nghị Thống tướng Aung Hlaing giảm bạo lực

Nhân Hoàng | 30/03/2021, 18:25

Một bang gần biên giới của Ấn Độ rút lại lệnh từ chối cung cấp thực phẩm và nơi ở cho những người trốn chạy khỏi Myanmar sau khi biện pháp này bị công chúng chỉ trích dữ dội.

Hơn 1.000 người, bao gồm cả các cảnh sát Myanmar và gia đình của họ, đã sang Ấn Độ từ cuối tháng 2.2021. Hầu hết trong số họ đến bang Mizoram, miền đông bắc Ấn Độ, nơi chính quyền địa phương và các nhóm xã hội dân sự đã hỗ trợ họ.

Sau khi nhiều người Myanmar cố gắng băng qua bang Manipur vào tuần trước, chính quyền bang này đã yêu cầu 5 quận giáp biên giới với Myanmar từ chối nhận họ.

Chính quyền quận không nên mở bất kỳ trại nào để cung cấp thức ăn và nơi ở. Những người cố gắng vào/tìm nơi ẩn náu nên lịch sự quay đi”, trích một bản sao bức thư mà Reuters nhìn thấy.

Ấn Độ trước đó đã yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn dòng người từ Myanmar và trục xuất bất kỳ ai đã vượt qua. Thế nhưng, hai quan chức chính phủ hôm 30.3 cho biết chỉ thị Manipur đã được rút lại vào 29.3.

Lệnh được ban hành vào ngày 26.3 đã bị chỉ trích nặng nề.

"Hơn cả sự sự xấu hổ!", Shivshankar Menon, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Ấn Độ, cho biết trên Twitter, phản ứng với bản sao lệnh ban đầu đang lưu hành trên phương tiện truyền thông xã hội.

Ba công dân Myanmar được điều trị vết thương do đạn bắn ở Imphal, thủ phủ bang Manipur, kể từ ngày 26.3.

Bác sĩ Lokeshwar Singh, Giám đốc Y tế của Viện Khoa học Y tế Jawaharlal Nehru, nói với Reuters rằng: “Họ bị thương do súng đạn, và họ đã ổn định”.

Hơn 500 người đã thiệt mạng ở Myanmar kể từ ngày 1.2 khi quân đội thực hiện cuộc đảo chính và lật đổ chính phủ dân sự, gây ra làn sóng phản đối dữ dội.

Manipur và Mizoram là hai trong bốn bang của Ấn Độ có chung đường biên giới với Myanmar, cho phép người dân và hàng hóa qua lại dễ dàng.

an-do-bo-lenh-cam-nha-nguoi-tron-chay-khoi-myanmar.jpg
Một người đàn ông sử dụng súng cao su trong cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính, ở thành phố Yangon, Myanmar ngày 28.3

Nhiều người cố thoát khỏi cuộc đàn áp của quân đội với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Myanmar cũng đã bắt đầu chạy sang Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan nói rằng mọi người sẽ được chấp nhận vì lý do nhân đạo. Thế nhưng, một quan chức Thái Lan ở biên giới nói với Reuters rằng quân đội nước này vẫn đang gửi hầu hết trở lại vì cho rằng phía bên kia vẫn an toàn.

Tuy nhiên, hơn 10 người được phép sang Thái Lan vào ngày 30.3 để điều trị y tế, các nhân chứng của Reuters cho biết.

Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai cho biết Thái Lan đã đề nghị quân đội Myanmar với nhà lãnh đạo là Thống tướng Min Aung Hlaing giảm bạo lực sau cuộc đàn áp giết chết 114 dân thường hôm 27.3.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan - Don Pramudwinai nói Myanmar đã nhận thông điệp này nhưng cho biết sẽ tùy thuộc vào tình hình.

Ông Don Pramudwinai nói thêm rằng hòa bình ở Myanmar sẽ là chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sắp tới.

Hôm 29.3, Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha cho biết vương quốc này sẵn sàng tiếp nhận một làn sóng người tị nạn dù miễn cưỡng, vì chính phủ dự kiến ​​sẽ có thêm hàng ngàn người Myanmar nữa vượt qua biên giới.

"Chúng tôi không muốn có một cuộc di cư vào lãnh thổ của mình, nhưng chúng tôi cũng phải quan tâm đến nhân quyền. Chúng tôi đã chuẩn bị một khu vực cho dòng người. Tổ chức các trung tâm tạm trú hoặc tị nạn - chúng tôi chưa bàn về điều đó", ông Prayuth Chan-ocha nói.

Trong khi Tổng tham mưu trưởng 12 quốc gia (Mỹ, Úc, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh) ra tuyên bố lên án việc quân đội Myanmar dùng bạo lực với công dân, đại diện Thái Lan đã tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang (27.3) cùng quan chức từ 7 nước khác.

Theo nhiều người, sự tham dự của Thái Lan tại buổi lễ đã gửi thông điệp có thể được hiểu là ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar.

Thế nhưng, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phản bác điều này khi nói: "Thái Lan hỗ trợ quân đội Myanmar ở đâu? Tôi không hiểu. Có lẽ không có ai ủng hộ việc sử dụng bạo lực đối với người dân”.

Bài liên quan
Quân đội Myanmar nổ súng tại đám tang, không kích nhóm nổi dậy thứ hai, 3.000 người chạy sang Thái Lan
Lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng tại một đám tang hôm 28.3 khi người dân trên khắp đất nước tụ tập để thương tiếc 114 người thiệt mạng 1 ngày trước đó trong cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính quân sự đầu tháng trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ bỏ lệnh cấm nhận người trốn chạy khỏi Myanmar, Thái Lan đề nghị Thống tướng Aung Hlaing giảm bạo lực