Một số nhà kinh tế cảnh báo lạm phát cao tại Mỹ khó bị kiểm soát khi “ăn sâu bám rễ” trong ngành dịch vụ, buộc Cục Dự trữ liên bang (Fed) phải tăng lãi suất hơn nữa vào năm 2023.
Năm qua Fed mạnh tay tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, nhưng nỗ lực của họ trở nên phức tạp hơn vì xu hướng giá cả hàng hóa và giá cả dịch vụ có khác biệt lớn.
Lạm phát hàng hóa dùng hằng ngày như đồ nội thất, ô tô cũ, thiết bị gia dụng đang giảm. Xu hướng giảm giá nhiều khả năng kéo dài sang năm 2023 do các nhà bán lẻ tìm cách giảm lượng hàng tồn kho.
Chi phí nhà ở cũng có khả năng hạ nhiệt, nhờ lãi suất thế chấp tăng sau khi Fed tăng lãi suất. Giá thuê đã giảm so với mức đỉnh gần đây, giá chào thuê từ chủ nhà ghi nhận mức giảm theo tháng lớn nhất trong 7 năm.
Fed ước tính lạm phát 2023 ở mức 3,5%. Các nhà kinh tế mà trang Bloomberg khảo sát dự báo lạm phát lõi tại Mỹ quý 4 năm sau vào khoảng 3%. Cả hai kịch bản đều cao hơn mức mục tiêu 2% Fed đề ra.
Khi lạm phát hàng hóa giảm, giá hàng loạt dịch vụ như đi ăn ngoài, cắt tóc, đi lại... lại tăng. Đây là yếu tố giữ lạm phát ở mức cao mà Chủ tịch Fed Jay Powell từng cảnh báo
“Lạm phát hàng hóa chuyển tốt khá nhanh sau một năm rưỡi không hề thay đổi. Nhưng lạm phát dịch vụ không giảm nhanh như vậy. Vì vậy chúng tôi phải tăng lãi suất cao hơn nhằm đạt mục tiêu”, Chủ tịch Powell phát biểu sau cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tháng 12 của Fed.
Lạm phát dịch vụ kéo dài bao lâu phụ thuộc chủ yếu vào thị trường lao động. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các đơn vị tuyển dụng phải tăng lương cùng phúc lợi để giải quyết vấn đề. Dữ liệu từ chi nhánh Fed tại Atlanta cho thấy tiền lương đã tăng 6,4% so với tháng 11.
Với biện pháp tăng lãi suất Fed thực hiện, nhà kinh tế Diane Swonk (công ty kiểm toán KPMG) nhận xét: “Họ đang cố hạ nhiệt lạm phát nhanh hơn hạ nhiệt tiền lương”.
Fed tin rằng họ có thể kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất từ 5% lên 5,25% vào năm tới và duy trì mức đó ít nhất đến năm 2024. Chủ tịch Powell từng cảnh báo Fed sẽ phải mạnh tay hơn nếu tình hình không cải thiện.
Theo nhà kinh tế Stephen Cecchetti (Đại học Brandeis): “Không có ổn định giá cả thì không có gì cả. Không có kinh tế vĩ mô ổn định và thịnh vượng thì không có ổn định tài chính, chỉ có hỗn loạn”.