Báo New York Times ngày 25.6 (giờ Mỹ) đưa tin cựu binh Trung Quốc đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố, bất mãn vì bị đối xử tệ, chế độ đãi ngộ kém và mù mờ triển vọng kiếm được việc làm.

Cựu binh Trung Quốc biểu tình vì bị đối xử tệ

26/06/2018, 14:28

Báo New York Times ngày 25.6 (giờ Mỹ) đưa tin cựu binh Trung Quốc đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố, bất mãn vì bị đối xử tệ, chế độ đãi ngộ kém và mù mờ triển vọng kiếm được việc làm.

Cựu binh biểu tình trước trụ sở CMC năm 2016 - Ảnh: Irish Times

Tờ báo Mỹ viết rằng vài tuần qua, hàng trăm cựu binh mặc quân phục và vẫy cờ khi tuần hành, yêu cầu chính quyền ghi nhớ những năm tháng phục vụ Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Họ xếp hàng trước các cơ quan chính quyền nhưng không phải để bảo vệ, mà để phản đối, buộc các cán bộ công chức phải trốn bên trong.

Tin đồn cựu binh bị công an đánh khiến chiến hữu bức xúc

Vụ cựu binh xuống đường mới nhất xảy ra ngày 22.6 ở thành phố Trấn Giang (tỉnh Giang Tô, đông Trung Quốc) với hàng ngàn cựu binh rầm rộ biểu tình, sau khi tin đồn lan rộng rằng cựu binh PLA Wang Yihong bị lực lượng bảo vệ đánh ở gần trụ sở ủy ban nhân dân thành phố hôm 19.6, trong lúc ông cùng một số cựu binh tìm sự giúp đỡ của chính quyền để có việc làm.

Chính quyền thành phố chật vật kiểm soát cuộc biểu tình của ít nhất 1.000 cựu binh mang theo cờ đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và trương các biểu ngữ xác nhận thời gian và địa điểm họ phục vụ quân ngũ, và trên đường diễu hành, họ dẹp sạch các rào chắn đường và đi ngang lực lượng cảnh sát chống bạo loạn không dám làm gì họ, khi các cựu binh mang theo cả ảnh Mao Trạch Đông và Chủ tịch Tập Cận Bình để làm chứng họ trung thành với CPC.

Trong khi đó, các thông tin trên mạng xã hội nói hàng trăm cựu binh khác từ các tỉnh khác (như Sơn Đông, Hà Bắc, Tứ Xuyên) tìm đến Trấn Giang để thể hiện tinh thần đoàn kết với cựu chiến hữu, và tài xế taxi chở họ quanh thành phố mà không lấy tiền. Một cư dân mạng còn kêu gọi dân địa phương đem chăn mền giúp các cựu binh giữ ấm khi họ cắm trại “bao vây” trụ sở chính quyền.

Một cựu binh tên Chen Wuliang từ miền đông đến Trấn Giang biểu tình, nói với Times: “Vấn đề là chính quyền địa phương tham nhũng quá đáng. Mà địa phương nào lâm tình trạng tham nhũng nghiêm trọng thì cũng là nơi mà cựu binh cao tuổi từng tham gia các cuộc chiến tranh đều bị đàn áp”.

Ngày 25.6, cuộc biểu tình rầm rộ này kết thúc sau khi công an giải tán nhóm cựu binh. Nhưng ông Chen tuyên bố: “Các chiến hữu của chúng tôi luôn giữ liên lạc qua điện thoại hoặc qua Wechat”, một mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc.

Theo Times, dù bị kiểm duyệt, các diễn đàn mạng của cựu binh Trung Quốc vẫn đề cập nhiều cuộc phản đối, và sau sự kiện Trấn Giang, một tin nhắn cảnh báo họ hãy ôn luyện kỹ năng đối phó một cuộc bao vây, và đề nghị các chiến hữu “tự tổ chức thành lực lượng bảo vệ quyền lợi để có thể đi đến thắng lợi khác”.

Vẫn theo Times, vụ biểu tình ở Trấn Giang không đe dọa chính quyền CPC vốn có uy tín cao và có công an bảo vệ, nhưng nó cho thấy sự bất mãn vẫn chực chờ gây bất ngờ cho chính phủ.

Vài tháng qua, các thành phố khác cũng bùng nổ các cuộc biểu tình tương tự. Cuối tháng 5, hàng trăm cựu binh tụ tập nhiều ngày ở thành phố Tháp Hà (miền trung Trung Quốc) sau khi có tin vợ một cựu binh bị công an bắt nhốt, sau khi bà cùng một số cựu binh đến thủ đô Bắc Kinh đòi cựu binh phải được đãi ngộ tốt hơn.

Giữa tháng 6, các cựu binh cũng biểu tình ở một huyện miền Nam Trung Quốc, sau khi tin đồn lan truyền một cựu-thương binh bị công an đánh đập.

Các trang mạng đề cập vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều vụ tập kết của cựu binh bất mãn, thường sau khi họ bị mất việc làm hoặc không thể đòi cải thiện quyền lợi.

Cựu binh biểu tình ngồi ở Bắc Kinh

Theo Times, lãnh đạo CPC ở Bắc Kinh từng bị sốc hồi năm 2016 và đầu năm 2017, khi khoảng 1.000 cựu binh hai lần vào thủ đô và biểu tình ngồi, lần thứ nhất hôm 11.10.2016, ở ngay bên ngoài trụ sở Ủy ban quân ủy trung ương (CMC) mà ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch.

Hơn 1.000 cựu binh từ nhiều tỉnh thành tập trung trước trụ sở CMC, hát vang bài hát “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh” cùng nhiều ca khúc quân đội khác, phản ứng về chế độ đãi ngộ khi xuất ngũ. Họ là cựu binh bị giảm biên chế nhưng lại không nhận được các quyền lợi phúc lợi như đã được hứa hẹn lúc nhập ngũ.

Một số cựu binh dẫn một tài liệu chính thức của chính phủ năm 1978 từng hứa tìm việc làm cho các quân nhân xuất ngũ. Trên một biểu ngữ, người biểu tình đã viết: “Quyền và lợi ích của chúng tôi khi bị chuyển từ các vị trí trong quân đội sang làm công việc dân sự đã bị vi phạm”.

Nhưng ngoài điều kiện sống chật vật, các cựu binh bất mãn nói họ không nhận được sự đãi ngộ mà họ từng kỳ vọng nơi xã hội Trung Quốc, sau nhiều năm bị trả lương thấp và đôi khi tử trận trong chiến tranh. Theo Times, nhiều người nói họ đã tham gia cuộc Chiến tranh biên giới năm 1979 mà PLA từng khoe thắng trận nhưng thực tế là thảm bại trước quân đội Việt Nam.

Nhiều người đã ở lại địa điểm biểu tình cho đến tối. Báo Nikkei Asean Review cho biết cuộc biểu tình được cho là kết thúc trong hòa bình khi không có dấu hiệu của bất kỳ một vụ đụng độ nào xảy ra với nhà chức trách.

Cuộc biểu tình thứ hai của cựu binh ở Bắc Kinh xảy ra trong hai ngày của tháng 2.2017, trước trụ sở của Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương (CCDI, cơ quan chống tham nhũng của CPC). Họ đòi Bộ Quốc phòng hoàn trả trợ cấp lương hưu.

Cựu binh bất mãn vì như “con lừa già bị xả thịt khi hết sức tải đạn”

Hai lần biểu tình quy mô lớn ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh là điều bất thường, dù từ hàng chục năm trước đã có các cuộc biểu tình-kiến nghị có tổ chức của cựu binh Trung Quốc, vốn phàn nàn lương hưu thấp, chế độ đãi ngộ kém, và họ mượn một thành ngữ của Trung Quốc để tự ví họ như "con lừa già bị xả thịt khi hết sức tải đạn".

Năm 1980, ông Đặng Tiểu Bình từng giảm 1 triệu quân, và đến những năm 1990, nhiều cựu binh khó tìm được việc làm, khi Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế thị trường đã dẹp dần việc ưu tiên tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ.

Nhưng các cuộc biểu tình lớn trong năm 2018 vẫn gây bất ngờ, vì ông Tập Cận Bình thường ca ngợi binh lính, hứa hẹn ưu đãi cựu binh. Hồi tháng 3, Tân Hoa Xã đưa tin chính phủ có kế hoạch lập Bộ Cựu binh (đã hoạt động từ tháng 4) nhằm “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cựu quân nhân và gia đình họ, cải thiện công tác quản lý và phục vụ quân nhân xuất ngũ, và để việc chăm sóc quân nhân là một nhiệm vụ được nhân dân tôn vinh”.

Số liệu chính thức nêu Trung Quốc có 57 triệu cựu binh, đa số được tuyển quân từ các thôn làng, thị trấn và họ thi hành nghĩa vụ quân sự vài năm.

Nhiều cựu binh cảm thấy giữa hứa hẹn của chính phủ với thực tiễn vẫn còn “một trời khoảng cách”. Và họ nói sẽ ráng chờ xem chính quyền có giúp cải thiện cuộc sống của họ hay không.

Giáo sư Neil J. Diamant thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) và chuyên nghiên cứu mảng cựu binh Trung Quốc biểu tình, nói các cựu binh này không hài lòng với việc họ chỉ được giới thiệu những việc làm lương thấp, dễ bị sa thải khi cần giảm nhân lực.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu binh Trung Quốc biểu tình vì bị đối xử tệ