Trên đường từ An Giang về Cần Thơ, người đàn ông 58 tuổi bất ngờ bị ngưng tim, hôn mê, tụt huyết áp, suy hô hấp nhưng đã may mắn được cứu sống.
Theo người nhà của ông V.B.S (58 tuổi, quê Cần Thơ), sáng 6.7, ông S. than đau ngực nhưng vẫn đi An Giang để giao hàng cho khách, trên đường về nhà, khi đến địa phận quận Ô Môn (TP.Cần Thơ), ông S. bị ngất xỉu và ngưng tim nên được đưa vào Trung tâm Y tế quận Ô Môn cấp cứu. Tại đây, ông S. được đặt nội khí quản và có nhịp tim trở lại. Sau đó, gia đình xin chuyển viện để tiếp tục điều trị.
TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết bệnh nhân S. chuyển đến trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, suy hô hấp đã đặt nội khí quản và được bóp bóng.
Kết quả điện tim cho thấy, ông S. bị nhồi máu cơ tim cấp, ST chênh lên nên ngay lập tức đã được chuyển đến phòng can thiệp DSA để can thiệp cấp cứu.
“May mắn, chỉ sau 15 phút can thiệp, các bác sĩ đã tái thông hoàn toàn vị trí mạch máu nuôi tim đang bị tắc”, bác sĩ Cường nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Chỉnh - Trưởng khối Nội Tim mạch – Tim mạch Can thiệp, đây là một trường hợp cấp cứu thuận lợi và may mắn, chỉ trong vòng 15 phút, ê kíp của chúng tôi đã có thể tái thông được mạch vành đang tắc, giúp bệnh nhân thoát cơn nguy kịch.
“Đối với những trường hợp tắc động mạch vành, nếu không được điều trị khẩn cấp ở những trung tâm có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ thì bệnh nhân có thể tử vong nhanh và tỉ lệ tử vong rất cao (lên đến 60 - 70%)”, bác sĩ Chỉnh chia sẻ và cho biết: “Trải qua cơn thập tử nhất sinh, đến sáng nay (12.7), bệnh nhân đã dần hồi phục và đang được các bác sĩ theo dõi tích cực, chăm sóc và điều trị”.
Sau khi được cứu sống trong gang tấc, ông S. đã xúc động cảm ơn đội ngũ bác sĩ ở đây và cho biết: “Sáng hôm đó tôi đi Long Xuyên giao hàng với người anh, lên đó tôi còn ngồi uống cà phê. Lúc chạy về tới gần quận Ô Môn thì có dấu hiệu ngộ ngộ, nên anh tôi đưa vô bệnh viện gần đó liền, lúc đó tôi không biết nữa”.
Bác sĩ Chỉnh cho biết có trường hợp nhồi máu cơ tim đau âm ỉ nhiều ngày, nhưng có trường hợp chỉ cần một cơn đau tim cũng có thể nhanh chóng tử vong. Đối với nhồi máu cơ tim, nếu mạch máu không tắc hoàn toàn, dấu hiệu sớm của nhồi máu cơ tim chính là đau ngực; còn ở những trường hợp hẹp nặng nhiều nhánh mạch vành thì biểu hiện sẽ là đau ngực kèm khó thở khi gắng sức…
“Người bệnh không nên bỏ qua những dấu hiệu sớm này và cần chủ động thăm khám, theo dõi tại các bệnh viện chuyên khoa nhằm tránh diễn tiến xấu có thể xảy ra”, bác sĩ Chỉnh cảnh báo.
Theo bác sĩ Chỉnh, việc đặt stent nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn cấp tính nhưng về lâu dài, nếu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim diện rộng cần được theo dõi, dùng thuốc điều trị để chống tắt stent, kiểm soát các bệnh lý nền và các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia… Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần theo dõi các biến chứng là suy tim và đột tử sau nhồi máu cơ tim.