Tình trạng quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước với công tác giáo dục nghề nghiệp khiến cho đầu tư, quy hoạch phát triển các cơ sở GDNN cũng gặp nhiều trở ngại do không thống nhất ý kiến giữa sở với cơ quan chủ quản, mất nhiều thời gian trong việc lập đề án, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong thời gian gần đây, dư luận thế giới và khu vực coi Việt Nam là điểm đến mới để đầu tư. Ngay cả việc dịch COVID-19 bùng phát cũng không ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam vì môi trường chính sách tại Việt Nam hết sức thuận lợi. Nếu có điểm nào đáng phàn nàn thì đó là chất lượng lao động tay nghề cao chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà nước cũng đã đầu tư rất nhiều cho công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hay còn gọi đơn giản là dạy nghề để nâng cao trình độ lao động của người Việt Nam.
Ngân sách trung ương (NSTW) đầu tư cho GDNN thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2020 là 21.575 tỉ đồng, bằng 2,638 lần so với giai đoạn 2001-2010 (giai đoạn 2001-2010 kinh phí đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia là 8.177 tỉ đồng, số liệu theo Dansinh). Mà đó mới chỉ là NSTW còn ngân sách địa phương (NSĐP) thì cao hơn nữa. Theo số liệu thống kê trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, tổng dự toán chi thường xuyên ngân sách cho GDNN ghi nhận trên hệ thống năm 2019, là hơn 21.342 tỉ đồng, trong đó, NSTW là 5.146,7 tỉ đồng, NSĐP là 16.195,3 tỉ đồng. Số thực chi trong năm (bao gồm cả số chi từ nguồn năm trước chuyển sang) là 20.385,7 tỉ đồng).
Dự toán năm 2020 đã nhập và phê duyệt trên hệ thống tính đến ngày 31.3.2020 là 17.708,8 tỉ đồng (NSTW 4.430,7 tỉ đồng, NSĐP là hơn 13.278 tỉ đồng, số liệu theo Thời báo tài chính Việt Nam). Tuy nhiên, để cho việc GDNN mang lại hiệu quả thực sự lớn, đáp ứng với nhu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn nước ta có thể đóng vai trò “công xưởng thế giới” thì cần có sự phối hợp hiệu quả. Lấy TP.HCM – nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và cũng là đầu tàu công nghiệp, đầu tàu kinh tế của Việt Nam làm ví dụ.
Hiện TP.HCM có 393 trường, trong đó có 57 trường cao đẳng (CĐ), 64 trường trung cấp (TC), 24 trung tâm GDNN- Giáo dục từ xa, 248 trung tâm GDNN và cơ sở hoạt động GDNN. Những cơ sở này giúp tuyển sinh đào tạo hơn 450.000 sinh viên, học viên (số liệu 2019). Bên cạnh đó, năm 2020, các cơ sở GDNN đã đào tạo và cung cấp cho thị trường gần 142.000 người lao động các trình độ; tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo GDNN ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu của thành phố lần lượt đạt 14,83% ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 82,49% ở 9 ngành dịch vụ và 2,67% của 8 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN.
Đặc biệt, trên 80% sinh viên, học viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp, còn lại có việc làm sau 6 tháng. Nhưng nếu gần 400 cơ sở trên được quản lý tốt thì hiệu quả còn cao hơn hiện giờ. Về mặt quản lý trên lý thuyết, các cơ sở GDNN thuộc TP đã được Sở GD-ĐT và Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, việc quản lý, chỉ đạo các cơ sở GDNN công lập thuộc TP hiện vẫn chồng chéo giữa nhiều sở ngành, quận huyện do các đơn vị vẫn duy trì chức năng cơ quan chủ quản. Cụ thể: Sở GD-ĐT còn 5 trường CĐ và 3 trường TC; Sở Giao thông Vận tải còn 1 trường CĐ; Sở Công thương có 1 trường CĐ; Sở Văn hóa Thể thao 1 trường CĐ; Sở Xây dựng 1 trường CĐ; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1 trường TC; Sở Thông tin và Truyền thong 1 trường TC; UBND quận 3, 5, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Bình Chánh là cơ quan chủ quản của 1 trường TC.
Tình trạng quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) với công tác GDNN khiến cho đầu tư, quy hoạch phát triển các cơ sở GDNN cũng gặp nhiều trở ngại do không thống nhất ý kiến giữa sở với cơ quan chủ quản, mất nhiều thời gian trong việc lập đề án, phê duyệt chủ trương đầu tư. Thậm chí, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM còn thừa nhận rằng tình trạng này gây ra hệ lụy khá tế nhị. Dù UBND TPHCM đã ban hành Quy chế phối hợp liên sở về công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nhưng không được các cơ quan liên quan thực hiện. Nhiều cán bộ quản lý các trường nghỉ hưu, hết nhiệm kỳ hoặc được bổ nhiệm lại, Sở LĐTB-XH không được bàn bạc, thống nhất dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, chất lượng đào tạo đi xuống, đơn thư khiếu kiện, tố cáo kéo dài, vượt cấp.
Về giải pháp, ông Tấn nêu: Thực hiện chủ trương, chính sách về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nhằm nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, nghị định về GDNN, trong đó tập trung quy định trách nhiệm QLNN về GDNN của Bộ LĐTB-XH, các bộ ngành và UBND các cấp. Các bộ, ngành liên quan đã kịp thời có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện việc bàn giao chức năng QLNN về GDNN tại địa phương. Thực ra, việc QLNN do Bộ LĐTB-XH hay bất kỳ cơ quan nào cũng không quan trọng bằng việc chúng ta phải có một quy hoạch chung trong việc đào tạo kỹ thuật viên, lao động chất lượng cao để đáp ứng xu thế và nhu cầu của nguồn đầu tư nước ngoài. Đào tạo ra những lao động giỏi, thu nhập cao, thúc đẩy nền sản xuất Việt Nam vẫn còn tốt hơn nhiều việc một bộ mở tràn lan đại học, sinh viên thất nghiệp chạy xe đầy đường.