Theo nguồn tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nhiều trường hợp vi phạm về thương mại điện tử và hàng giả, hàng nhái.

Đã gỡ bỏ gần 600 gian hàng và website thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái

16/06/2019, 22:12

Theo nguồn tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nhiều trường hợp vi phạm về thương mại điện tử và hàng giả, hàng nhái.

Ảnh minh hoạ từ VNE

Cụ thể, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính trong thương mại điện tử năm 2015 là 3,5 tỉ đồng, năm 2018 lên đến 7 tỉ đồng.

Gần đây nhất, ngày 18.4.2019, Bộ Công Thương phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an TP.HCM đồng loạt tiến hành kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website: menshop79.com và menshopfashion.com, thu giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermers, Versace, Burberry…

Thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho thấy, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm giả mạo nhãn hiệu đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943; hơn 3.126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa. 4 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ trên 3.750 sản phẩm vi phạm về xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái thuộc gần 600 gian hàng và website.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng với số lượng dè dặt, nhỏ lẻ, bán hàng qua cộng tác viên trung gian… Trong nhiều trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và được thanh toán qua đơn vị trung gian, khó xác minh đối tượng bán. Ngoài ra, các website và mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và khó kiểm soát.

Về vấn đề quản lý hàng giả, hàng nhái trên các website thương mại điện tử, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.

Đồng thời phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Công Thương phải thường xuyên rà soát định kỳ để đảm bảo sự tuân thủ của các website; kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm pháp luật trên website và ứng dụng thương mại điện tử.

Phát biểu tại một hội thảo, bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, số lượng các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử tăng lên đáng kể. Từ đầu năm tới khoảng cuối tháng 4.2019, trong tổng số đơn nhận được của Bộ thì có tới 60% số đơn liên quan tới thương mại điện tử.

Tuy không nêu tên chính xác sàn giao dịch thương mại điện tử nào nhưng bà Quỳnh cảnh báo, tại một số sàn của doanh nghiệp lớn vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Chẳng hạn, thử gõ tìm kiếm nhãn hiệu Gucci trên google người tiêu dùng sẽ thấy hàng loạt các website bán hàng Gucci, thậm chí Gucci super fake, Gucci Fake xịn, Gucci fake 1-4 với các giá khác nhau. Là ví dụ rõ rệt về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu được kinh doanh trên môi trường internet. Hay sản phẩm bút Montblance, Patek Philippe... cũng tràn lan với số tiền chỉ 1,4 -2 triệu đồng.

A.T.T tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã gỡ bỏ gần 600 gian hàng và website thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái