Theo một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos, đa số người dân Mỹ có quan điểm ngược lại với những thành phố đang loại bỏ những bức tượng của Liên minh miền Nam - phe thua trong cuộc nội chiến Mỹ cách đây hơn 150 năm.
Cuộc thăm dò kéo dài từ ngày 18-21.8 cho thấy 54% người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ giữ các bức tượng Liên minh niền Nam "ở tất cả các không gian công cộng", 27% người nói rằng những bức tượng nên bị gỡ bỏ và 19% nói rằng họ không có ý kiến về chuyện này.
Tuy nhiên, Reuters cho biết cuộc thăm dò cho thấy sự phân hóa rất mạnh giữa các nhóm chủng tộc cũng như quan điểm chính trị trong vấn đề này.
Cụ thể đa số người da trắng và đảng viên đảng Cộng hòa muốn giữ các bức tượng còn các đảng viên đảng Dân chủ và người da màu thì muốn loại bỏ.
Hiện nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ đang tranh luận về việc nên loại bỏ hay không hàng trăm bức tượng kỷ niệm Liên minh miền Nam tại những bang trước khi thuộc liên minh ly khai này. Một số di tích hiện đã bị phá ở Orleans và Baltimore.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy sự chia rẽ quan điểm của người Mỹ xung quanh cuộc biểu tình "Unite the Right" (Đoàn kết phe hữu khuynh) nhằm chống lại hành động dỡ bỏ một bức tượng Tổng tư lệnh Robert E. Lee ở Charlottesville, Virginia.
Cuộc biểu tình thu hút những người theo thuyết Thượng đảng Da trắng, các thành viên của Ku Klux Klan và những người ủng hộ Tổng thống MỹDonald Trump. Đáp lại một phong trào phản đối cuộc biểu tình của các nhóm cánh tả, phong trào chống phân biệt chủng tộc cũng nổ ra.
Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành cuộc bạo loạn với đỉnh điểm là một phụ nữ 32 tuổi bị một người ủng hộ Thượng đẳng Da trắng lao xe vào tông chết.
Tổng thống Trump sau đó đổ lỗi cho cả hai nhóm người vì gây ra bạo lực. "Có một bên rõ là thực hiện hành động xấu và nhóm bên kia thì cũng rất bạo lực", ông Trump nói.
Bình luận của ông Trump nhanh chóng bị nhiều lời chỉ trích bởi các chính trị gia, kể cả những lãnh đạo đảng Cộng hòa và các doanh nghiệp lớn.
Ông Trump sau đó đã phải giải tán hai nhóm cố vấn kinh tế cho ông sau khi nhiều người trong hai nhóm này quyết định không cộng tác tiếp với chính quyền vì tuyên bố của ông trong vụ bạo loạn ở Charlottesville, Virginia. 17 thành viên trong Ủy ban Nghệ thuật và Nhân văn của ông Trump cũng đồng loạt từ chức phản đối.
Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, 31% người Mỹ cho rằng cuộc bạo loạn ở Charlottesville, Virginia có nguyên nhân từ cả hai phía cực hữu và nhóm cực tả phản đối, quan điểm khá giống Tổng thống Trump. 28% thì đổ lỗi cho nhóm cực hữu và 10% cho rằng nhóm cánh tả phải chịu trách nhiệm cho cuộc bạo loạn. 32% người được hỏi nói rằng họ không có ý kiến về vụ việc.
Cuộc thăm dò của Reuters thực hiện trên khắp nước Mỹ, với 2.149 người tham gia. Trong đó có 874 đảng viên đảng Dân chủ và 763 đảng viên đảng Cộng hòa. Reuters cho biết độ chính xác của cuộc thăm dò là lệch 2%.
Thiên Hà (theo Reuters)