Theo đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng phải có trách nhiệm chỉ đạo đúng. Bị cáo nói không cần biết năng lực nhà thầu là vô trách nhiệm và bất chấp pháp luật về chỉ định thầu.

Đại diện VKS: Bị cáo Đinh La Thăng nói vậy là vô trách nhiệm và bất chấp pháp luật...

Nhã Thanh | 15/03/2021, 09:55

Theo đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng phải có trách nhiệm chỉ đạo đúng. Bị cáo nói không cần biết năng lực nhà thầu là vô trách nhiệm và bất chấp pháp luật về chỉ định thầu.

Theo dự kiến, lúc 16 giờ hôm nay 15.3, HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên bản án sơ thẩm đối với 12 bị cáo trong vụ án Ethanol Phú Thọ.

Theo cáo trạng, trong vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch PVN bị cáo buộc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn nhưng đã chủ trì nhiều cuộc họp, định hướng giao thầu cho PVC như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.

Trịnh Xuân Thanh biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện gói thầu nhưng vẫn nhận chỉ đạo từ lãnh đạo PVN để ký văn bản xin được chỉ định thầu; chủ trì cuộc họp HĐQT và Ban Tổng giám đốc PVC đồng ý thực hiện gói thầu; ký công văn gửi ông Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu.

Quá trình thực hiện, do liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ. PVC sau đó cũng có báo cáo thừa nhận liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực để thực hiện dự án.

Tháng 3.2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành. Hậu quả từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho PVB tổng số tiền hơn 543 tỉ đồng.

vu-ethanol-phu-tho-bat-chap-phap-luat-ve-chi-dinh-thau-.jpg
Các bị cáo tại tòa

Phải có trách nhiệm chỉ đạo đúng

Trong 1 tuần diễn ra phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN) đã phủ nhận trách nhiệm tại dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ. Bị cáo cho rằng PVB là chủ đầu tư, có thẩm quyền quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu; bị cáo chỉ ban hành chủ trương và chỉ đạo thông qua người đại diện vốn tại các doanh nghiệp thành viên.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc PVC cho rằng hành vi của các bị cáo thuộc nhà thầu PVC không thỏa mãn yếu tố chủ thể của tội “Vi phạm quy định đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phản bác các ý kiến nêu trên, đại diện VKS đã đưa ra các chứng cứ cụ thể. Theo VKS, việc triển khai các dự án nhiên liệu sinh học là nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Công Thương giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). PVN ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thuộc tập đoàn, giao cho PVOil thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án và thành lập Ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học, trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ.

Đại diện VKS nhấn mạnh: “Trên cơ sở chủ trương chung của tập đoàn, bị cáo Thăng trực tiếp ban hành chủ trương giao PVC được nhận thầu bằng hình thức chỉ định thầu, vừa chỉ đạo trực tiếp người đại diện phần vốn nhà nước tại PVC, PVB, vừa trực tiếp chỉ đạo với chủ đầu tư PVB”.

Cũng theo đại diện VKS, PVB là công ty cổ phần nhưng được thành lập theo chủ trương của PVN. PVB là “con đẻ” của 3 công ty con của tập đoàn; 3 cổ đông sáng lập PVB đều do PVN nắm giữ tỷ lệ chi phối.

Theo VKS, bị cáo Thăng phải có trách nhiệm chỉ đạo đúng. Bị cáo nói không cần biết năng lực nhà thầu là vô trách nhiệm và bất chấp pháp luật về chỉ định thầu.

Tuy nhiên, trong phần tranh luận, bị cáo Thăng liên tục phản bác quan điểm của VKS khi bị cáo buộc chỉ đạo PVB như công ty “con”, công ty “cháu” bởi thẩm quyền quyết định chỉ định thầu là quyết định của chủ đầu tư. Bị cáo Thăng nói: “Thực tế, chủ đầu tư đã chỉ định thầu cho liên danh nhà thầu. Tất cả nghị quyết của PVN vẫn ghi rõ là đề nghị các đại diện phần vốn của các đơn vị thành viên xem xét cho PVC tham gia thầu, không có liên danh nhà thầu. Và chủ đầu tư đã chọn chỉ định thầu cho liên danh”.

Bị cáo Thăng cũng không đồng tình với quan điểm của đại diện VKS về việc nói PVB là “con đẻ” của các công ty “con” của PVN. Theo bị cáo, PVB là công ty cổ phần có vốn góp của các công ty con của PVN. PVN không góp vốn, không phải cấp trên của PVB.

vu-ethanol-phu-tho-bat-chap-phap-luat-ve-chi-dinh-thau-anh-1.jpg
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa

Thiếu tiền hay thiếu năng lực?

Khai báo và tranh luận trước tòa, Trịnh Xuân Thanh cho biết PVC là doanh nghiệp thì phải có công ăn việc làm. VKS luôn nói Trịnh Xuân Thanh biết PVC không đủ năng lực nhưng Trịnh Xuân Thanh khẳng định PVC luôn đủ năng lực, “chỉ thiếu 1 - 2 tiêu chí thôi”. Ngoài ra, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khẳng định dự án này là do thiếu tiền, không phải do năng lực của PVC.

Bị cáo Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng giám đốc PVB) nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân cũng như của PVB trong dự án Ethanol Phú Thọ. Sau khi đưa ra các phân tích, dẫn chứng cụ thể, bị cáo Hà cho rằng nguyên nhân dự án bị dừng lại là do thiếu vốn.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hà cho rằng bị cáo đã chịu sức ép từ phía tập đoàn, tham gia với vai trò đồng phạm thứ yếu; việc chi định thầu cho liên danh không phải là nguyên nhân dẫn đến dự án bị dừng lại và cũng không gây ra thiệt hại như cáo trạng truy tố.

Về vấn đề này, VKS nhận định bị cáo Trịnh Xuân Thanh ký nhiều văn bản liên quan xin cam kết thực hiện gói thầu, chấp thuận nội dung hợp đồng EPC nhằm được thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ theo chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng.

Theo VKS, dự án Ethanol Phú Thọ được triển khai theo hình thức thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị và xây dựng (EPC) nên năng lực của nhà thầu phải được đánh giá về cả 3 nội dung này. Chỉ cần một khâu thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến các khâu còn lại, vì vậy nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu năng lực của cả 3 nội dung.

Gói thầu EPC được thực hiện bởi liên danh 3 nhà thầu, mỗi nhà thầu chịu trách nhiệm các phần việc riêng rẽ theo thỏa thuận phân chia công việc. Do đó, năng lực các nhà thầu phải đáp ứng được từng phần việc do mình đảm nhiệm

Ngoài ra, theo phân tích từ VKS, hậu quả từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVB tổng số tiền là hơn 543 tỉ đồng. Đây là thiệt hại thực tế do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.

       Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án từ 12 - 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với các bản án đã có hiệu lực trước đó, hình phạt chung mà đại diện VKS đề nghị áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án từ 11 - 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; từ 10 - 11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hình phạt chung cho cả hai tội danh là từ 21 - 23 năm tù. Tổng hợp với các bản án đã có hiệu lực trước đó, VKS đề nghị áp dụng hình phạt chung cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.

Bài liên quan
Vụ Ethanol Phú Thọ: VKS đề nghị tuyên Đinh La Thăng chịu 12-13 năm tù
VKS đã đề nghị xử phạt ông Đinh La Thăng 12 – 13 năm về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại diện VKS: Bị cáo Đinh La Thăng nói vậy là vô trách nhiệm và bất chấp pháp luật...