Chiều 22.9, Đài Loan chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thông tin chi tiết được người đứng đầu cơ quan quản lý kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa, Đại diện Thương mại Đặng Chấn Trung cùng một số quan chức khác cung cấp trong cuộc họp báo sáng 23.9.
Tại họp báo, quan chức Đài Loan cho biết sau bước nộp đơn chính thức, hòn đảo tự trị chuyển sang bước hiệp thương với từng thành viên CPTPP để hiểu rõ yêu cầu của từng nước, sau đó các bên tiến hành đàm phán chính thức. Hiện rất khó xác định thời gian cụ thể dành cho từng giai đoạn.
Trước đó bà Vương cho biết Đài Loan từ lâu đã khởi động đàm phán không chính thức với các thành viên CPTPP, cũng như xem xét loạt quy định mà thỏa thuận thương mại đa phương này đặt ra nhằm chuẩn bị sửa đổi luật pháp sở tại cho phù hợp.
Hôm 17.9, bà Vương bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc “bất ngờ” nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Nữ quan chức hy vọng động thái từ Bắc Kinh không ảnh hưởng đến nỗ lực của Đài Loan.
Vấn đề Đài Loan có chấp nhận cùng Trung Quốc gia nhập và liệu Trung Quốc nếu thành công gia nhập trước có tìm cách cản trở Đài Loan gia nhập hay không rất được quan tâm tại họp báo. Phía Đài Loan xác định quyết định gia nhập CPTPP là vì lợi ích của chính Đài Loan, của doanh nghiệp Đài Loan, không quan tâm đến mục đích của nước khác.
Đài Loan bị loại khỏi nhiều cơ chế quốc tế vì chính sách một Trung Quốc của Bắc Kinh luôn xem hòn đảo như phần lãnh thổ không thể tách rời. Bắc Kinh luôn phản đối mọi hành động mà nước này đánh giá vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc”. Dù không được tham gia ở các tổ chức chính trị thế giới nhưng ở các tổ chức kinh tế, Đài Loan vẫn là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
CPTPP hiện bao gồm 11 nền kinh tế Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore – tạo ra khu vực thương mại tự do với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, gần 500 triệu dân.
Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 30.12.2018 khi 6 trên 11 nước hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Đến nay chỉ còn Brunei, Chile, Malaysia chưa thông qua.
Trong tương lai CPTPP có thể còn mở rộng hơn nữa vì nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ khác cũng muốn tham gia, chẳng hạn như Thái Lan, Anh, Campuchia, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan. Thậm chí kỳ vọng Mỹ quay lại cũng rất cao.
Con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc dự kiến sẽ không dễ dàng. Cơ chế hoạt động của CPTPP đòi hỏi quyết định về thêm hay bớt nước tham gia phải có sự đồng thuận của toàn bộ thành viên, Úc mới đây đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành vi đánh thuế hàng hóa Úc rồi mới bàng chuyện gia nhập. Phía Mỹ cũng nhắc nhở thành viên CPTPP cân nhắc loạt hành động thương mại phi thị trường mà Trung Quốc thực hiện để quyết định có cho phép gia nhập hay không.
Đài Loan hiện đã nhận được ủng hộ từ Nhật Bản. Đài NHK dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật đánh giá với việc áp dụng nền kinh tế thị trường, thành tựu Đài Loan đạt được khi làm thành viên WTO thì khả năng hòn đảo tự trị thành công gia nhập CPTPP khá cao.