Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố có thông tin chính xác về việc di chuyển và vị trí hiện tại của tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, khi nó tiến vào vùng Biển Đông.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), thông báo từ cơ quan phòng vệ Đài Loan vào hôm 20.6 không nói cụ thể thông tin vị trí hay hành trình di chuyển của tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu hộ tống mà tin chính thức cuối cùng cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua hải phận của Nhật Bản vào ngày 11.6.
"Quân đội có thể tiến hành các hoạt động tình báo cần thiết để nắm toàn bộ thông tin về hành trình của nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh, bao gồm các tàu hộ tống và máy bay, trong suốt hành trình tại khu vực", cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết và khẳng định quân đội có đủ khả năng bảo vệ Đài Loan, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh được hộ tống bởi 5 tàu chiến, trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường và 2 khu trục khi nó băng qua Eo biển Miyako - nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản để tiến vào Thái Bình Dương hôm 11.6.
Hiện Nhật Bản đang tiếp tục theo dõi các hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc dù Bắc Kinh tuyên bố hoạt động của tàu Liêu Ninh nằm trong chương trình hoạt động huấn luyện thường xuyên, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng quyền tự do hàng hải của Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông Đài Loan dẫn lời một nguồn tin tình báo giấu tên nói rằng nhóm tàu chiến của Trung Quốc đã tiến tới khu vực phía tây Thái Bình Dương sau khi rời Eo biển Miyako, và tiến gần tới đảo Guam và Philippines trước khi vào Biển Đông.
Hãng thông tấn trung ương Đài Loan (CNA) hôm 19.6 cũng cho biết nhiều khả năng tàu sân bay Liêu Ninh sẽ ghé qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Truyền thông Đài Loan tin rằng việc triển khai tàu sân bay Liêu Ninh là thông điệp đáp trả của Bắc Kinh dành cho Washington, sau khi Mỹ liên tục triển khai tàu chiến với sứ mệnh tự do hàng hải trên Biển Đông và eo biển Đài Loan, nhằm phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Washington cũng đã khuyến khích các quốc gia triển khai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và tại Biển Đông, nhằm thực hiện các hoạt động tự do hàng hải. Trước đó, hoạt động tương tự đã được tàu chiến Pháp thực hiện hồi tháng 4.
Trả lời câu hỏi về việc báo chí Đài Loan thông tin tàu sân bay Trung Quốc đang đi vào Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam sẽ sớm xác minh thông tin.
“Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông. Chúng tôi sẽ xác minh thông tin trên. Chúng tôi cho rằng đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác phát triển bền vững ở khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của các quốc gia. Việt Nam mong muốn và đề nghị các quốc gia nỗ lực vì mục tiêu chung này”, Bà Hằng phát biểu tại tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 20.6.
Hoàng Vũ (theo SCMP)