20 máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 26.3 trong vụ xâm nhập lớn nhất được cơ quan phòng vệ của hòn đảo báo cáo và đánh dấu sự leo thang căng thẳng đáng kể trên khắp eo biển Đài Loan.

Đài Loan triển khai tên lửa cảnh báo 20 máy bay Trung Quốc trong vụ xâm nhập lớn chưa từng thấy

Nhân Hoàng | 26/03/2021, 20:50

20 máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 26.3 trong vụ xâm nhập lớn nhất được cơ quan phòng vệ của hòn đảo báo cáo và đánh dấu sự leo thang căng thẳng đáng kể trên khắp eo biển Đài Loan.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết lực lượng không quân đã triển khai tên lửa để giám sát 20 máy bay Trung Quốc bay vào phần phía tây nam của vùng nhận dạng phòng không hòn đảo. Máy bay Đài Loan cũng cảnh báo máy bay Trung Quốc, kể cả bằng radio.

Đây là cuộc xâm nhập lớn nhất cho đến nay của không quân Trung Quốc kể từ khi cơ quan phòng vệ Đài Loan bắt đầu tiết lộ các chuyến bay quân sự gần như hàng ngày của đối thủ trên vùng biển giữa phần phía nam Đài Loan và quần đảo Đông Sa ở Biển Đông vào năm ngoái. Hiện quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát.

Một số máy bay Trung Quốc đã bay trong không phận phía nam Đài Loan và đi qua kênh Bashi, nơi ngăn cách hòn đảo này với Philippines.

Một người quen thuộc về kế hoạch an ninh của Đài Loan nói với Reuters rằng, quân đội Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng hoạt động chống lại các tàu chiến của Mỹ đi qua kênh Bashi.

Tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần hòn đảo dân chủ những tháng gần đây. Đó là động thái mà Đài Loan cho rằng gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực.

Theo Đài Loan, nhiều máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất hiện trong nhiệm vụ hôm 26.3, như 4 máy bay ném bom H-6K có khả năng hạt nhân và 10 chiến đấu cơ J-16. Theo Đài Loan, đây là điều bất thường và diễn ra khi lực lượng không quân của hòn đảo đình chỉ mọi hoạt động huấn luyện nhiệm vụ sau vụ rơi 2 máy bay chiến đấu trong tuần này.

dai-loan-trien-khai-ten-lua-va-canh-cao-20-may-bay-trung-quoc.jpg
Một máy bay ném bom H-6 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực hiện sứ mệnh gần đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, nơi đóng vai trò là vùng đệm không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan

Không có bình luận ngay lập tức từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Trung Quốc thường nói rằng các cuộc tập trận như vậy không có gì bất thường và được thiết kế để thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của nước này.

Hôm 22.3, hai phi công Đài Loan đã nhảy dù thoát ra ngoài trong vụ hai chiến đấu cơ F-5E tông nhau trên không trong chuyến bay huấn luyện tại huyện Bình Đông, phía nam hòn đảo này. Song, một người đã thiệt mạng.

Trước đó, 4 chiến đấu cơ F-5E cất cánh từ căn cứ tại Đài Đông vào 14 giờ 30 giờ 22.3 trước khi 2 chiếc biến mất khỏi màn hình radar vào khoảng hơn 15 giờ. 

Toàn bộ chiến đấu cơ F-5 tại căn cứ Chihhang đã bị cho ngừng hoạt động sau tai nạn ngày 22.3. F-5 do tập đoàn Northrop (Mỹ) sản xuất, được đưa vào sử dụng từ thập niên 1960.

dai-loan-trien-khai-ten-lua-va-canh-cao-20-may-bay-trung-quoc2.jpg
Hai chiến đấu cơ F-5 của Đài Loan

Ngày 25.3, Đài Loan và Mỹ đã ký thỏa thuận đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden, thành lập Nhóm Công tác Tuần duyên để điều phối chính sách vào thời điểm mà các hành động trên biển của Trung Quốc gây ra mối quan ngại ngày càng tăng trong khu vực. Cụ thể hơn, vào tháng 1.2021, Trung Quốc đã thông qua luật lần đầu tiên cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài, điều này đã gây lo ngại ở khu vực và Mỹ.

Trung Quốc bảo vệ lập trường, nói luật này là phù hợp với thông lệ quốc tế và cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh, các quyền hàng hải của đất nước.

Giống hầu hết các quốc gia, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của hòn đảo này.

Hôm 23.3, phát biểu trong phiên điều trần phê chuẩn trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đô đốc John Aquilino, người được đề cử làm tân chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ, cho rằng khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan sớm hơn hầu hết mọi người nghĩ.

Theo đô đốc John Aquilino, việc giành quyền kiểm soát đối với Đài Loan là “ưu tiên số 1” của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Aquilino cho biết ông không đồng tình với những bình luận gần đây của đô đốc hải quân Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách tấn công và nắm quyền kiểm soát với Đài Loan trong vòng 6 năm tới.

"Theo ý kiến của tôi, vấn đề này sẽ sớm hơn nhiều so với hầu hết mọi người nghĩ và chúng ta phải sẵn sàng. Trung Quốc hiện đã phát triển một số năng lực trong khu vực vốn được tạo ra nhằm ngăn chặn chúng ta. Lo ngại lớn nhất là lực lượng quân sự chống lại Đài Loan”, ông Aquilino cảnh báo và đề nghị Mỹ nên áp dụng đề xuất chi 27 tỉ USD nhằm tăng cường phòng thủ của Mỹ trong khu vực "trong thời gian gần và gấp rút".

Thượng nghị sĩ Tom Cotton (đảng Dân chủ) hỏi John Aquilino rằng liệu giữa mùa xuân có phải là thời điểm tốt nhất trong năm để Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tấn công Đài Loan, xem xét vào điều kiện ánh sáng, thời tiết và biển cả. Đô đốc Mỹ từ chối khẳng định điều này.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton sau đó cảnh báo Aquilino rằng mùa xuân tới có thể là một khung thời gian nguy hiểm, nói rằng Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào ngày 27.2.2014, bốn ngày sau khi kết thúc Thế vận hội mùa đông Sochi.

"Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh kết thúc vào ngày 23.2 năm sau", ông Tom Cotton nói.

Bài liên quan
Mỹ - Nhật sẽ cùng hỗ trợ nếu Đài Loan gặp xung đột quân sự với Trung Quốc
Hãng Kyodo News dẫn nguồn tin tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí hợp tác chặt chẽ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc với Đài Loan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan triển khai tên lửa cảnh báo 20 máy bay Trung Quốc trong vụ xâm nhập lớn chưa từng thấy