Đài Loan và Mỹ tăng cường phối hợp hàng hải đối phó Trung Quốc.

Đài Loan và Mỹ thành lập Nhóm Công tác Tuần duyên đối phó Trung Quốc

Nhân Hoàng - Hoàng Vũ | 26/03/2021, 08:00

Đài Loan và Mỹ tăng cường phối hợp hàng hải đối phó Trung Quốc.

Đài Loan và Mỹ đã ký thỏa thuận đầu tiên dưới thời chính quyền Biden, thành lập Nhóm Công tác Tuần duyên để điều phối chính sách vào thời điểm mà các hành động trên biển của Trung Quốc gây ra mối quan ngại ngày càng tăng trong khu vực.

Chính quyền Joe Biden đã lên tiếng trấn an Đài Loan rằng cam kết của họ với hòn đảo này là vững chắc. Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây áp lực với Đài Loan.

Tiêu Mỹ Cầm, đại diện của Đài Loan tại Mỹ, đã ký thỏa thuận ở Washington hôm 25.3, văn phòng của bà cho biết.

Bà Tiêu Mỹ Cầm “nhấn mạnh rằng với tư cách là một bên liên quan có trách nhiệm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đài Loan sẵn sàng và sẽ làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực hàng hải”.

Chúng tôi hy vọng rằng với Nhóm Công tác Tuần duyên mới, cả hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác bền chặt hơn và cùng nhau đóng góp nhiều hơn nữa cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và mở rộng”, bà Tiêu Mỹ Cầm nói thêm.

Thông cáo cho biết, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - ông Sung Kim đã có mặt tại lễ ký kết.

dai-loan-va-my-lap-nhom-cong-tac-tuan-duyen-doi-pho-trung-quoc.jpg
Tàu tuần duyên của Mỹ

Đài Loan đang nâng cấp lực lượng bảo vệ bờ biển bằng các tàu mới, có thể được đưa vào biên chế hải quân trong trường hợp xảy ra chiến tranh, khi hòn đảo này đối phó với sự xâm phạm ngày càng tăng từ các tàu đánh cá và tàu hút cát của Trung Quốc trong vùng biển do Đài Loan kiểm soát. 

Xem thêm: Trung Quốc dùng vũ khí mới trong chiến thuật vùng xám, Đài Loan tuần tra ngày đêm để xua đuổi

Giống hầu hết các quốc gia, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của hòn đảo này.

dai-loan-va-my-lap-nhom-cong-tac-tuan-duyen-doi-pho-trung-quoc1.jpg
Cảnh sát biển Đài Loan theo dõi tàu hút cát của Trung Quốc - ảnh: Reuters

Vào tháng 1.2021, Trung Quốc đã thông qua luật lần đầu tiên cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài, điều này đã gây lo ngại ở khu vực và Mỹ.

Trung Quốc bảo vệ lập trường, nói luật này là phù hợp với thông lệ quốc tế và cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh, các quyền hàng hải của đất nước.

Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền hàng hải với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và với một số nước Đông Nam Á tại Biển Đông.

Trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động gần quần đảo Senkaku, các quan chức Chính phủ Nhật Bản nói tại cuộc họp với các đảng viên cầm quyền hôm 25.2 rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật có thể bắn trực tiếp vào các tàu nước ngoài đang thực hiện hành vi phạm tội gây bạo lực trên đường đổ bộ vào lãnh thổ Nhật Bản.

Dù có giới hạn với những gì các quốc gia có thể làm trong lãnh hải của mình, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển cho phép thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn sự qua lại của các con tàu đe dọa hòa bình và an ninh của họ.

Nhật Bản tin rằng điều này bao gồm việc sử dụng vũ khí của lực lượng bảo vệ bờ biển để đối phó với cuộc tấn công từ tàu nước ngoài. Dựa trên luật, nước này cho phép nhà chức trách bắn để tự vệ, hoặc vào một mục tiêu bị bắt quả tang phạm tội gây bạo lực (với mức án tối thiểu là 3 năm tù). Xem chi tiết tại đây.

Hôm 23.3, phát biểu trong phiên điều trần phê chuẩn trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đô đốc John Aquilino, người được đề cử làm tân chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ, cho rằng khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan sớm hơn hầu hết mọi người nghĩ.

Theo đô đốc John Aquilino, việc giành quyền kiểm soát đối với Đài Loan là “ưu tiên số 1” của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Aquilino cho biết ông không đồng tình với những bình luận gần đây của đô đốc hải quân Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách tấn công và nắm quyền kiểm soát với Đài Loan trong vòng 6 năm tới.

"Theo ý kiến của tôi, vấn đề này sẽ sớm hơn nhiều so với hầu hết mọi người nghĩ và chúng ta phải sẵn sàng. Trung Quốc hiện đã phát triển một số năng lực trong khu vực vốn được tạo ra nhằm ngăn chặn chúng ta. Lo ngại lớn nhất là lực lượng quân sự chống lại Đài Loan”, ông Aquilino cảnh báo và đề nghị Mỹ nên áp dụng đề xuất chi 27 tỉ USD nhằm tăng cường phòng thủ của Mỹ trong khu vực "trong thời gian gần và gấp rút".

Thượng nghị sĩ Tom Cotton (đảng Dân chủ) hỏi John Aquilino rằng liệu giữa mùa xuân có phải là thời điểm tốt nhất trong năm để Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tấn công Đài Loan, xem xét vào điều kiện ánh sáng, thời tiết và biển cả. Đô đốc Mỹ từ chối khẳng định điều này.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton sau đó cảnh báo Aquilino rằng mùa xuân tới có thể là một khung thời gian nguy hiểm, nói rằng Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào ngày 27.2.2014, bốn ngày sau khi kết thúc Thế vận hội mùa đông Sochi.

"Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh kết thúc vào ngày 23.2 năm sau", ông Tom Cotton nói. Xem chi tiết tại đây.

Bài liên quan
Lệnh cấm nhập dứa khiến dân Đài Loan thêm ghét Trung Quốc
Nhân kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng vài quan chức cấp cao khẳng định vẫn muốn thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan miễn là nguyên tắc “một Trung Quốc” được duy trì.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan và Mỹ thành lập Nhóm Công tác Tuần duyên đối phó Trung Quốc