Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đàm phán thành công với hãng đấu giá Millon để chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam.

Đàm phán thành công hồi hương ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo'

L.H | 15/11/2022, 07:10

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đàm phán thành công với hãng đấu giá Millon để chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam.

an-vang.jpeg
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đang được làm thủ tục để chuyển giao về Việt Nam

Tối 14.11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin cho biết kết quả đàm phán hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã thành công, “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp”.

Trước đó vào ngày 19.10, website của hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) (lô số 101) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào 11 giờ ngày 31.10 (giờ Paris). Tuy nhiên, với nỗ lực từ phía Việt Nam, phiên đấu giá này đã bị hoãn lại kịp thời.

Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng với các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan đã chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng.

Đoàn công tác của Bộ gồm Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản Văn hóa, ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia... cùng nhiều thành viên khác đã sang Pháp cách đây vài ngày để đàm phán.

an-vang-1.jpg
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” có nhiều nét tương đồng với 2 ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” và “Hoàng đế tôn thân chi bảo” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam - Ảnh: Millon

Trong thời gian ở Pháp, đoàn công tác đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hiện đang lưu giữ tại văn phòng hãng đấu giá Millon (số 19 rue de la Grange-Bateliere Paris, Pháp).

Kết quả nghiên cứu và đối sánh tư liệu, đoàn xác định ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hiện đang rao bán tại hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8.3.1952 hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” có nhiều nét tương đồng với 2 ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” và “Hoàng đế tôn thân chi bảo” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Cả 3 ấn vàng đều được đúc bằng vàng 10 tuổi, chế tác theo cùng một mẫu thức với mặt ấn hình vuông, lưng giật 2 cấp, quai hình rồng uốn khúc, trán rồng khắc chữ Vương, chân rồng rõ 5 móng. Kích thước và trọng lượng của 3 ấn vàng cũng tương đương nhau. Đây là dạng thức ấn chưa từng xuất hiện ở các triều đại trước hay ở các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

an-vang-2.jpg
Con dấu dưới ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - Ảnh: Millon

Trên cơ sở kết quả xác định được tính xác thực của ấn vàng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp”.

Việc đàm phán giữa hai bên về việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đảm bảo đúng các bước trong lộ trình thực hiện phương án hồi hương cổ vật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với hãng đấu giá Millon để thực hiện lộ trình thủ tục hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quy định pháp luật của hai nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 1: Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt
5 phút trước Bảo vệ môi trường
Vùng ĐBSCL hiện đang bước vào cao điểm mùa khô, năm nay, do ảnh hưởng của El Nino khiến cho tình hình hạn hán, sụt lún đất, thiếu nước sinh hoạt trở nên trầm trọng. Có nơi, mặc dù là vùng ngọt quanh năm nhưng lại… thiếu nước ngọt khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đàm phán thành công hồi hương ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo'