Khác với những nhạc sĩ lớn trên thế giới (như Mỹ chẳng hạn), chỉ cần một bài hát nổi tiếng, có thể nhờ vào tiền tác quyền, sống sung túc đến cuối đời. Nhạc sĩ Việt Nam có hàng chục tác phẩm đi vào lòng công chúng, cái nghèo vẫn đeo bám đến lúc giã từ nhân thế. 

Đám tang nghèo của nhạc sĩ Châu Kỳ, Thanh Sơn

Một Thế Giới | 04/12/2015, 06:26

Khác với những nhạc sĩ lớn trên thế giới (như Mỹ chẳng hạn), chỉ cần một bài hát nổi tiếng, có thể nhờ vào tiền tác quyền, sống sung túc đến cuối đời. Nhạc sĩ Việt Nam có hàng chục tác phẩm đi vào lòng công chúng, cái nghèo vẫn đeo bám đến lúc giã từ nhân thế. 

Khi mất, hai vị nhạc sĩ nổi tiếng của nền tân nhạc Việt Nam có một đám tang lặng lẽ trong cái nghèo. 
1. Nhạc sĩ Châu Kỳ
Trưa ngày 6.1.2008, "nữ hoàng sầu muộn" Giao Linh gọi cho phóng viên Một Thế Giới: "Con ơi, chú Châu Kỳ mất khuya nay rồi. Con tìm địa chỉ giúp, cô chú đi viếng ngay. Thương quá, mới thấy đó mà mất rồi".
Cuộc đời của vị nhạc sĩ tài hoa, nổi tiếng với nhiều ca khúc: Đón xuân này nhớ xuân xưa, Sao chưa thấy hồi âm, Được tin em lấy chồng... đã dừng lại ở tuổi 85.
Phóng viên đi viếng tang nhạc sĩ Châu Kỳ cùng vợ chồng ca sĩ Giao Linh. Hỏi thăm đường, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra căn nhà của vị nhạc sĩ nổi tiếng ở Thủ Đức. Đó là một căn nhà nhỏ rất bình thường, nằm trong một xóm lao động.
Nhac si Chau Ky, nhac si Thanh Son, don xuan nay nho xuan xua, Noi buon hoa phuong
 Danh ca Chế Linh và nhạc sĩ Châu Kỳ lúc sinh thời. Ảnh: TL
 Không biết có phải do ông vừa mới mất hay không, khách đến viếng rất thưa thớt. Ngoài ca sĩ Giao Linh có mặt, gần như không thấy một nhân vật nổi tiếng nào.
Chiếc quan tài đơn sơ nằm ở gian chính căn nhà nhỏ, chật hết lối đi. Trước sân nhà, bày ít bàn, ghế. Trên bàn là một bình trà, ít bánh men để khách đi viếng dùng. Đám tang hiu quạnh, vắng người... chỉ có điều không buồn như những đám tang khác.
Theo ý nguyện của nhạc sĩ Châu Kỳ, trong đám tang mở những ca khúc do ông sáng tác, thay cho tiếng đờn cò, gõ mõ não nùng. Và một điều nữa: Tuy có cuộc sống không dư giả, nhưng ông dặn dò bà Kha Thị Đàng (vợ ông) dành toàn bộ tiền phúng điếu đám tang làm từ thiện. Thực hiện ý nguyện đó, người nhà vị nhạc sĩ nổi tiếng tổ chức đám tang cho ông rất khiêm tốn, nhằm tiết kiệm.
Bà Kha Thị Đàng, cựu nữ sinh trường Gia Long đã  tạo cho nhạc sĩ Châu Kỳ cảm hứng viết ca khúc nổi tiếng Em gái miền Nam. Bà đã gắn bó với cuộc đời ông từ năm 1956, sau một lần người đàn ông tài hoa này đổ vỡ hôn nhân và trải qua nhiều mối tình khác. Có với nhau 4 người con, người phụ nữ này bằng lòng sống "chung cái nghèo" với người chồng nhạc sĩ đến tận cùng cuộc đời, kéo dài suốt 52 năm.
Trong đám tang, bà Kha Thị Đàng lặng lẽ ngồi một góc sân, nâng niu quyển sách nhạc hơn 300 ca khúc của chồng. Đó là tài sản duy nhất, quý báu ông để lại cho vợ sau những ngày rong chơi giữa cuộc đời. 
Nhac si Chau Ky, nhac si Thanh Son, don xuan nay nho xuan xua, Noi buon hoa phuong
 Danh ca Giao Linh hát thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ, trong đó có ca khúc Sao chưa thấy hồi âm. Ảnh: TL
 Vợ nhạc sĩ cho biết: "Ông nhà tôi sáng tác ca khúc đầu tiên là Trở về, lúc mới 19 tuổi. Ca khúc cuối cùng ông viết, trước lúc mất là Ánh đạo vàng. Ông có một cuộc sống nhẹ nhàng, không ham danh lợi, tiền bạc, tập trung hết tâm trí vào sáng tác".
Trước khi mất, nhạc sĩ Châu Kỳ nằm liệt giường trong suốt 2 tháng ròng. Không phải ca sĩ nào đã từng hát các ca khúc của ông cũng biết tìm đến thăm. Những ca sĩ lớn tuổi thành danh nhờ vào những ca khúc của ông, đa phần đang sống ở hải ngoại, họa hoằn mới có người về Việt Nam ghé thăm người nhạc sĩ già. Ông không buồn và cũng chẳng bận tâm. Nhạc của ông, nhiều ca sĩ hát và thu âm, bán đĩa thu lợi nhuận, ai có lòng thì tìm đến ông gửi chút tiền tác quyền, còn không ông cũng chẳng cần....
Nhac si Chau Ky, nhac si Thanh Son, don xuan nay nho xuan xua, Noi buon hoa phuong
 Đám cưới của nhạc sĩ Châu Kỳ và bà Kha Thị Đàng năm 1956. Ảnh: TL
 Và đám tang của ông cũng diễn ra lặng lẽ...
Mỗi độ xuân về, người Việt Nam lại nhớ đến ông. Mọi ngõ ngách của đất nước lại vang lên lời hát xao xuyến lòng: "Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa. Một chiều xuân em đã hẹn hò. Như ươm tình trong cánh hoa mơ, đưa hương theo làn gió. Em nói rằng em viết thành thơ...".  
Trong những ngày tết, nghe "nhạn trắng Gò Công" Phương Dung hát Đón xuân này nhớ xuân xưa, người nghe như thấy thời gian lắng đọng, lòng chơi vơi, ký ức ùa về... Giai điệu, ca từ buồn sâu thẳm nhưng không chút ủy mị, đẹp, lãng mạn và trữ tình, thể hiện trọn vẹn không khí ấm áp, sum vầy của người Việt trong ngày tết. 
2. Nhạc sĩ Thanh Sơn
Nhạc sĩ Thanh Sơn mất ngày 4.4.2012, sau 74 năm rong chơi cuộc đời. Ông mất tại nhà riêng, trước sự bất ngờ của người thân. Trưa đó, ông còn ăn tô bún bò và muốn ăn thêm vài chiếc chả giò... 
Trước khi trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, ông là một ca sĩ. May mắn cho nền tân nhạc Việt Nam, Thanh Sơn đã không thành công trong nghề ca hát. Ông bắt đầu chuyển hướng sang sáng tác vào năm 1963.   
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông để lại cho đời hơn 500 tác phẩm, tiêu biểu như: Nỗi buồn hoa phượng, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Nhật ký đời tôi, Vầng trán suy tư, Hành trình trên đất phù sa, Đoản xuân ca, Màu hoa anh đào... Những tác phẩm của ông có ca từ và giai điệu mộc mạc, gần gũi với đời sống, dễ hát nên được phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Nhac si Chau Ky, nhac si Thanh Son, don xuan nay nho xuan xua, Noi buon hoa phuong
Bà Lê Thị Hương, vợ nhạc sĩ Thanh Sơn trong đám tang chồng. Ảnh: Dương Cầm 
Đám tang của nhạc sĩ Thanh Sơn diễn ra trong một con hẻm nhỏ, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (Quận Bình Thạnh, TP.HCM). Giống như đám tang của nhạc sĩ Châu Kỳ, đám tang của vị nhạc sĩ Nỗi buồn hoa phượng cũng diễn ra trong cảnh nghèo.
Đêm khuya, khách viếng lác đác vài người. Một vài ca sĩ đến viếng, sau khi đi hát về tiện thể ghé ngang thắp cho ông nén hương. Một ông bạn già đến đưa tiễn bạn cho trọn tình nghĩa...  
Trong đêm khuya thanh vắng, bà Lê Thị Hương, vợ nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ: "Đến giờ này, tôi sống với ổng được 53 năm, có với nhau 7 đứa con, vừa trai vừa gái. Tôi làm nội trợ, ổng viết nhạc bán cho ca sĩ, lấy tiền nuôi các con ăn học. Suốt cuộc đời viết nhạc, ổng không dư giả gì. Cuộc sống chật vật lắm".
Theo lời người vợ hiền của nhạc sĩ Thanh Sơn, lúc sinh thời, ông sống tốt bụng và phóng khoáng với mọi người. Những ca khúc của ông, nhiều ca sĩ tự ý thu âm, không xin phép, không trả tiền tác quyền. Ông không giận, so đo, chỉ cười: "Họ quý mình mới hát ca khúc của mình. Thôi kệ!".  Với những ca sĩ trẻ, chưa làm ra tiền, hầu như ông đều để họ hát miễn phí.
Lê Duy Lâm, người con thứ 5 của nhạc sĩ Thanh Sơn: "Ba tôi nghèo nhưng tự trọng. Bị tai biến mạch máu não, suốt một năm nằm liệt giường, kinh tế khó khăn nhưng ông không bao giờ than vãn. Trong cuộc đời nghèo khó của mình, tôi chưa bao giờ thấy ông thoải mái về tiền bạc". 
"Những ngày cuối đời, ba tôi rất sợ nghe nhạc. Nghe tiếng nhạc là ông sợ hãi, la hét. Ông chỉ muốn sự yên tĩnh. Trước lúc mất, ba tôi có ý nguyện muốn thiêu, thả tro cốt ra sông, không làm đám tang ồn ào, tránh làm phiền hàng xóm. Và quan trọng, trong tình cảnh khó khăn, ông không muốn vợ con phải chạy vạy lo đám tang cho mình. Má và anh em chúng tôi phản đối, ông đành chấp nhận phương án lập mộ ở Bình Dương" - Anh Lê Duy chia sẻ.
Nhac si Chau Ky, nhac si Thanh Son, don xuan nay nho xuan xua, Noi buon hoa phuong
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng viếng tang nhạc sĩ Thanh Sơn. Ảnh: Dương Cầm 
Xóm nhỏ xôn xao. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến viếng nhạc sĩ Thanh Sơn. Anh là thế hệ ca sĩ sau ngày thống nhất đất nước hát thành công ca khúc Nỗi buồn hoa phượng. Trước anh có danh ca Thanh Tuyền. 
Đứng trước chiếc quan tài bằng loại gỗ rẻ tiền, "ông hoàng nhạc Việt" lầm rầm: "Mang ơn chú đã viết ca khúc Nỗi buồn hoa phượng cho con hát. Khán giả yêu quý con hơn nhờ ca khúc này của chú"
Trong những ngày nhạc sĩ Thanh Sơn nằm bệnh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhiều lần đến thăm và hỗ trợ một phần chi phí cho ông điều trị.  Nhạc sĩ Thanh Sơn rất cảm kích trước tấm lòng của ca sĩ này.
Đêm đã khuya. Ánh đèn cầy leo lét, âm thanh chỉ còn tiếng đọc kinh phát ra từ máy. Bà Lê Thị Hương dặn dò con gái thắp thêm hương, mệt mỏi vào trong nghỉ, lấy sức để mai lo đám tang cho chồng.
Đám tang vốn dĩ đã buồn. Đám tang nghèo càng buồn hơn.
Lê Ngọc Dương Cầm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đám tang nghèo của nhạc sĩ Châu Kỳ, Thanh Sơn