Đài CNN giới thiệu một đàn cừu đang giúp các nhà khảo cổ bảo tồn tàn tích cổ xưa của Pompeii – thành phố thời La Mã bị chôn vùi trong vụ phun trào núi lửa Vesuvius năm 79 sau Công nguyên.
Hoạt động khai quật đã bắt đầu từ cách đây 250 năm, nhưng các nhà khảo cổ chỉ mới khám phá được khoảng 2/3 diện tích 66ha tại Pompeii. Bảo tồn khu vực chưa được khám phá trước sự xói mòn của tự nhiên và thời gian là ưu tiên hàng đầu.
“Cỏ hoặc thực vật khác mọc trên hoặc trong các bức tường và ngôi nhà cổ là một vấn đề lớn. Chúng tôi cố gắng dùng cách bền vững với môi trường, tránh sử dụng hóa chất diệt cỏ nhưng vẫn đảm bảo thực vật không mọc trên tàn tích”, Giám đốc Công viên Khảo cổ Pompeii Gabriel Zuchtriegel cho hay.
Vì vậy một đàn cừu 150 con đã được triển khai đến khu Regio V nằm phía bắc thành phố cổ, nơi vài ngọn đồi đầy cỏ nằm rải rác cùng tàn tích. Regio V hạn chế đón khách du lịch, các nhà khảo cổ đang tiến hành khai quật tại đây.
Năm 2018 họ từng tìm thấy vài bức bích họa, tàn tích một cửa hàng bán đồ ăn nhẹ cùng xương của người thiệt mạng trong vụ phun trào.
Giám đốc Zuchtriegel chỉ ra cách dùng cừu giải quyết cỏ cùng thực vật khác tuy không góp phần làm giảm khí thải carbon, nhưng tiết kiệm chi phí và bảo tồn cảnh quan.
“Làm vậy cũng giúp tái hiện lại quang cảnh Pompeii thời điểm thành phố còn tồn tại, với rừng cây, vườn nho, cừu, bầu không khí nông thôn”, Giám đốc Zuchtriegel nói thêm.