Tài liệu bị rò rỉ từ Viện Nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới (RITM) của Philippines cho thấy ít nhất một số VIP (“nhân vật rất quan trọng”) gồm hàng chục chính khách, công chức và người thân của họ được ưu tiên xét nghiệm dù họ không hề có triệu chứng nhiễm dịch COVID-19.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 25.3, các tài liệu chính thức này bị tuồn ra ngoài hồi tuần trước, bởi “người tuýt còi” tố cáo tiêu cực trong RITM, cơ quan thực hiện các cuộc xét nghiệm nhằm phát hiện khả năng người bị nhiễm dịch Covid-19.
Một kiểu hạch sách đòi ưu tiên là xét nghiệm tại nhà riêng
Trong danh sách các VIP được ưu ái này gồm Chánh án Tòa án tối cao, tư lệnh cảnh sát quốc gia và vợ của họ, cùng cựu Đệ nhất phu nhân Imelda Marcos và con gái là thượng nghị sĩ Imee (vợ con cố tổng thống Ferdinand Marcos).
Một “người tuýt còi” khác còn cho biết vài VIP đòi nhân viên RITM đến nhà riêng của họ để thực hiện xét nghiệm cho họ. Các VIP này cũng nhận được kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ, trong khi các bác sĩ và nhân viên y tế vẫn phải chờ nhiều ngày mới có kết quả do họ tự xét nghiệm và có triệu chứng nhiễm dịch.
Trong chí ít một trường hợp, bác sĩ tim mạch 34 tuổi Israel Bactol đã chết vì nhiễm dịch ngay trước khi ông nhận được kết quả xét nghiệm.
Trước khi xảy ra vụ rò rỉ tài liệu này, ngành y tế Philippines nói không thể xét nghiệm cho toàn dân vì thiếu bộ kit xét nghiệm, và cho đến ngày 10.3, Philippines chỉ có 2.000 bộ.
Các quan chức còn nói khâu xét nghiệm đòi hỏi phải tiến hành đúng quy trình và hướng dẫn, gồm 1 tiêu chí là người được xét nghiệm phải có các triệu chứng nhiễm dịch COVID-19.
Nhưng theo các hướng dẫn mới và được công bố tuần trước, chỉ có những ai có các triệu chứng nặng (khó thở, ho kéo dài và sốt cao) sẽ được xét nghiệm. Nhưng người già, phụ nữ mang thai cũng sẽ được xét nghiệm, dù họ chỉ mang những triệu chứng nhẹ.
Ngày 24.3, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque nói các hướng dẫn có thể thay đổi, do đã có thêm nhiều bộ kit thử nghiệm. Tuần trước, ông đã có kết quả âm tính nhưng chấp nhận cách ly tại nhà, sau khi có phát hiện rằng một trong những quan chức của Bộ đã bị nhiễm COVID-19.
SCMP cũng cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte và Thượng nghị sĩ Christopher Go đã xét nghiệm từ ngày 12.3. Ông Bo giải thích vì “vài thành viên nội các thường xuyên tiếp xúc những người đã có kết quả dương tính COVID-19”.
Ngày 16.3, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque nói RITM đã tiến hành xét nghiệm từ 200 đến 250 ca/ngày, một con số được cho là đã tăng do Philippines được tặng nhiều bộ kit xét nghiệm.
Trung Quốc đã gởi 2.000 bộ kit và hứa tặng thêm 100.000 bộ nữa. Hàn Quốc cũng hứa tặng Philippines từ 5.000 đến 10.000 bộ kit, tương tự là Singapore hứa tặng 3.000 bộ.
Ngày 23.3, Bộ Y tế Philippines ra tuyên bố phủ nhận các thông tin trong tài liệu bị rò rỉ, nhấn mạnh rằng không hề có chính sách ưu tiên xét nghiệm các VIP. Tuyên bố viết: “Tất cả các mẫu thử được tiến hành theo nguyên tắc Vào trước - Ra trước”, nhưng nêu thêm rằng cũng có ‘‘sự tôn trọng dành cho các quan chức nắm giữ những vai trò trong hai lĩnh vực an ninh quốc gia và sức khỏe công cộng”.
Chính quyền chưa công bố có bao nhiêu người dân Philippines đã được xét nghiệm cho đến nay, còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 25.3 thì có Philippines có 532 ca nhiễm và 35 ca tử vong.
Chính phủ Philippines bị trách chỉ lo cho quan, không lo cho dân
Theo SCMP, các tài liệu rò rỉ vụ các quan chức được xét nghiệm kiểu VIP khiến người dân Philippines phẫn nộ. Tổ chức công đoàn Kilusang Mayo Uno ra tuyên bố, nói tốc độ xét nghiệm chậm đã góp phần khiến có nhiều ca nhiễm và tử vong. Tuyên bố viết: “Được xét nghiệm y tế và được chữa trị là quyền của nhân dân, chứ không phải là quyền của vài quan chức chính phủ và các gia đình quyền thế”.
Hơn 170.000 người ký tên vào mẫu kiến nghị điện tử Change.org (được tạo ngày 16.3) để yêu cầu chính phủ phải tổ chức xét nghiệm bắt buộc và miễn phí cho toàn dân, đồng thời “vận động các cơ quan chính quyền địa phương lập những trung tâm xét nghiệm địa phương”, khi Philippines đã nhận được nhiều bộ xét nghiệm do nước ngoài gửi tặng.
Các yêu sách khác gồm phân phối miễn phí khẩu trang; xà phòng; nước uống, rượu bia; thuốc vitamin cho từng cộng đồng, cùng các phương tiện y tế chất lượng và các khu cách ly.
Tờ báo Hồng Kông cũng cho biết mạng xã hội Twitter có hashtag “Nói không với xét nghiệm VIP”, trong khi trang Wikipedia có một mục mới là danh sách những “người của công chúng” Philippines tiết lộ việc họ đã xét nghiệm.
Trên danh sách này có Thượng nghị sĩ Francis Tolentino đã lên mạng Twitter đăng ảnh ông chụp với một nhân viên y tế. Sau đó ông xóa và đăng một dòng trạng thái khác để “xin lỗi những ai bị xúc phạm”.
Ngày 18.3, tỉnh trưởng Jonvic Remulla của tỉnh Cavite cũng viết Twitter, thừa nhận ông đã xét nghiệm: “Tôi nhận trách nhiệm nếu đồng bào cho rằng tôi tận dụng chức quyền. Tôi xin lỗi và hứa sẽ không bao giờ tái diễn sự tận dụng quyền thế này”.
Cho đến nay, chính quyền Philippines thiên về việc xét nghiệm “có chỉ tiêu” thay vì xét nghiệm đại trà toàn dân, với lý do thiếu bộ kit xét nghiệm và nguồn lực chính phủ bị hạn chế.
Nhưng bác sĩ Anthony Leachon, một lãnh đạo nhóm vận động cải tổ ngành y tế Philippines, nói với SCMP: “Rõ ràng giới quyền thế Philippines được ưu ái trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đây là một chế độ độc tài nên đó là bản chất tự nhiên của họ’’.
Ông khẳng định xét nghiệm toàn dân là “lý tưởng, căn cứ theo hoạt động của WHO, Hàn Quốc và Singapore”, đồng thời cho rằng Philippines cần có một “Trung tâm chỉ huy chống dịch COVID-19” để linh động xử lý tình hình.
Ông nói: “Dữ liệu của Bộ Y tế không minh bạch, từ số bệnh viện bị nhiễm cho đến số bác sĩ phải cách ly. Vì thế, người dân không biết ai để nhờ giúp và không biết dựa vào nguồn lực nào”.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)