Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết chính quyền Malaysia quyết định kéo dài các biện pháp đóng cửa biên giới và đóng cửa cửa hàng không cần thiết đến ngày 14.4, vì dự đoán số ca nhiễm COVID-19 sắp tới còn tăng.

COVID-19: Malaysia gia hạn phong tỏa toàn quốc, lo ngại về nguồn lực y tế của Indonesia

25/03/2020, 19:52

Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết chính quyền Malaysia quyết định kéo dài các biện pháp đóng cửa biên giới và đóng cửa cửa hàng không cần thiết đến ngày 14.4, vì dự đoán số ca nhiễm COVID-19 sắp tới còn tăng.

Nhờ quân đội vào cuộc mà tỷ lệ người dân Malaysia tuân thủ lệnh kiểm soát đi lại đạt 95% - Ảnh: The Telegram

Chính quyền thông báo sớm quyết định gia hạn phong tỏa để người dân chuẩn bị tinh thần ở nhà trong thời gian dài. Thủ tướng Muhyiddin đảm bảo nguồn cung thực phẩm lẫn cơ sở y tế đầy đủ nên người dân không nên hoảng loạn. Hiện chỉ có 1/3 trên tổng số 3.585 giường bệnh (thuộc 34 bệnh viện) huy động điều trị bệnh nhân COVID-19 được sử dụng, giới chức nước này còn thiết lập 409 trung tâm cách ly.

Ngoài ra, Thủ tướng Muhyiddin sẽ công bố gói kích thích kinh tế vào ngày 27.3 thay vì phải chờ đến 30.3 như kế hoạch ban đầu.

Malaysia vài ngày qua luôn ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức hơn 100 trường hợp/ngày. Số người mắc COVID-19 tại nước này vừa tăng lên 1.796 – thêm 172 bệnh nhân, thấp hơn mức kỷ lục 212 một ngày trước.

Số ca tử vong tăng lên 19. Bốn trường hợp mới nhất đều là người lớn tuổi, 3 nam 1 nữ.

Nước láng giềng Indonesia cũng báo cáo thêm 105 ca nhiễm – nâng tổng số người mắc lên 790. Tổng số ca tử vong tăng lên 58.

Gần đây xuất hiện nhiều lo ngại về nguồn lực y tế của Indonesia. Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy quốc gia hơn 260 triệu dân này chỉ có 321.544 giường bệnh – tương đương 12 giường trên mỗi 10.000 người.

Năm 2017, WHO tính toán Indonesia chỉ có 4 bác sĩ cho mỗi 10.000 người. Tâm dịch châu Âu là nước Ý cao hơn Indonesia gấp 10 lần.

Quan chức cấp cao Bộ Y tế Achmad Yurianto khẳng định các biện pháp cách ly xã hội giúp Indonesia không cần đến lượng giường bệnh lớn và số nhân viên y tế hiện tại vẫn đủ. Tuy nhiên nhà dịch tễ học Budi Waryanto thuộc đại học Indonesia nhận xét nhiều bệnh viện chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tiếp nhận thêm số ca nhiễm lớn.

Indonesia là nước có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất Đông Nam Á - Ảnh: The Jakarta Post

Tình hình Trung Đông

Tại Trung Đông, Iran thêm 143 ca tử vong nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 2.077. Tổng số ca nhiễm cũng tăng lên 27.017 với 2.206 bệnh nhân mới.

Chính quyền Tehran dự định cấm đi lại giữa các thành phố lẫn hoạt động dã ngoại ngoài trời truyền thống nhân dịp năm mới Ba Tư để giảm đà lây nhiễm. Tổng thống Hassan Rouhani cho biết kế hoạch siết chặt cách ly xã hội sẽ rất nghiêm khắc.

Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cố vấn Bộ trưởng Y tế Alireza Vahabzadeh tuyên bố Iran không cần “thế lực bên ngoài” giúp đỡ.

Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cuối tuần trước ngỏ ý gửi đội ngũ chuyên gia 9 người cùng thiết bị sang giúp đỡ, nhưng phe chính trị gia bảo thủ cáo buộc đây là âm mưu gián điệp. Trước đó nước này cũng từ chối lời đề nghị giúp đỡ từ Mỹ.

Bên ngoài Iran, Israel ghi nhận mức tăng kỷ lục 240, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.170. Bahrain có 419 ca, Kuwait 195 ca.

Cẩm Bình (theo Straits Times, The Star, The Jakarta Post, Gulf News)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19: Malaysia gia hạn phong tỏa toàn quốc, lo ngại về nguồn lực y tế của Indonesia