Thủ tướng quyết định giá điện mặt trời sẽ được thực hiện theo cơ chế đấu thầu, thay vì phân chia theo vùng hoặc áp dụng phương án một giá.

Đấu thầu giá điện mặt trời

tuyetnhung | 23/11/2019, 08:00

Thủ tướng quyết định giá điện mặt trời sẽ được thực hiện theo cơ chế đấu thầu, thay vì phân chia theo vùng hoặc áp dụng phương án một giá.

Văn phòng Chính phủ ngày 22.11 đã có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1.7.2019. Giá điện mặt trời sau ngày 30.6.2019 (thời điểm Quyết định 11.2017 hết hiệu lực) sẽ không chia theo vùng, hay áp dụng phương án một giá điện cho tất cả vùng như phương án trình trước đây của Bộ Công Thương.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, gửi Thủ tướng trước ngày 15.12 tới. Thống nhất về cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và các dự án mới.

Chính phủ cũng cho biếtcác dự án điện mặt trời đã áp dụng biểu giá điện mặt trời theo Quyết định 11 sẽ không hồi tố. Chính phủ chủ trương tạo điều kiện phát triển hợp lý, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư.

Về giá điện mặt trời áp mái, Chính phủ thống nhất sẽ đưa ra mức giá cố định và giao Bộ Công Thương rà soát, đưa ra biểu giá phù hợp dựa trên nguyên tắc tránh trục lợi chính sách. Riêng với các dự án đã có hợp đồng mua bán điện, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan rà soát, báo cáo cụ thể danh mục dự án và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tính chính xác của danh mục này.

Chính phủ khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nhưng lưu ý phải cân nhắc, tính toán dài hạn để đạt được mục tiêu chiến lược, quy mô phát triển hợp lý từng thời kỳ gắn với bảo vệ môi trường; tuân thủ quy hoạch, đảm bảo cân bằng hệ thống điện...

"Tuyệt đối chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quản lý phát triển, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin - cho, các dự án đầu tư tuyệt đối không được sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiềm ẩn rủi ro về môi trường", văn bản Chính phủ nhấn mạnh

Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời đã thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, tuy nhiên trên thực tế còn nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, việc quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương thiếu khoa học, dự báo còn yếu kém. Báo cáo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy việc đầu tư các dự án điện mặt trời đi vào thực chất, quy mô vận hành thương mại rất lớn khoảng 4.500MW với tiến độ xây dựng nhanh, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt cho người dân.

Tuy vậy, giai đoạn vừa qua cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Cụ thể, quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Tính cuối tháng 6.2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027MW. Dự kiến, đến tháng 12.2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240MW.

Theo tính toán, sự phát triển nóng này đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức mang tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Đại diện Cục Điện tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định: "Phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đều đã biết trước việc quá tải lưới truyền tải và phải tiết giảm công suất".

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề về phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch. Cụ thể, Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850MW và 1200MW tới 2030 đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) chất vấn.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời: "Khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đấu thầu giá điện mặt trời