"Ngoài ăn rong rêu, tranh ăn trái cây rụng xuống ao với cá tra, cá vồ đém, khi thiếu thức ăn tụi cá lau kiếng còn đeo bám vào da cá vồ, cá tra để hút nhớt. Tui để ý thấy đám cá lau kiếng còn phá hại bờ ao, ống bọng nước rất dữ, nhưng không biết làm cách nào để tiêu diệt chúng”, ông Tư Chiến một nông dân miền Tây - than thở.

Nông dân miền Tây ngán ngẩm vì cá lau kiếng

Hùng Anh | 22/11/2019, 11:11

"Ngoài ăn rong rêu, tranh ăn trái cây rụng xuống ao với cá tra, cá vồ đém, khi thiếu thức ăn tụi cá lau kiếng còn đeo bám vào da cá vồ, cá tra để hút nhớt. Tui để ý thấy đám cá lau kiếng còn phá hại bờ ao, ống bọng nước rất dữ, nhưng không biết làm cách nào để tiêu diệt chúng”, ông Tư Chiến một nông dân miền Tây - than thở.

Cá lau kiếng “trên từng cây số”

Ông Nguyễn Văn Út là 1 ngư dân nhiều năm kinh nghiệm trên tuyến sông Cổ Chiên, đoạn chảy qua địa phận huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Mấy tháng gần đây, lần nào đi dỡ chà, đặt lọp, ông Út bực mình vì cá tôm bắt được thì ít mà cá lau kiếng luôn chiếm số đông.

“Con cá gì mà da đen sì, hình thù xấu xí quái dị đầy gai nhọn, vảy cứng sần sùi. Có lần tui thử mang lên chợ bán, mấy bà nội trợ nhìn rồi nói: “Cá gì thấy ghê, ai dám ăn mà đem bán”. Vậy là từ đó hễ bắt được đám cá lau kiếng thì tui quăng luôn xuống sông. Không biết lũ cá kỳ dị này ở đâu ra mà sinh sôi ngày càng nhiều, có khi trong 1 mẻ lưới kéo lên, gần phân nửalà cá lau kiếng”, ông Út kể.

Ở ấp 2, xã Tân Thanh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), ông Tư Chiến (Nguyễn Văn Chiến) nổi tiếng là người có nhiều ao nuôi cá tra, cá vồ đém trọng lượng 4-5kg/con. Gần đây, ông Tư Chiến tá hỏa vì phát hiện trong ao nào cũng có cả bầy cá lau kiếng tá túc.

“Ngoài ăn rong rêu, tranh ăn trái cây rụng xuống ao với cá tra, cá vồ đém, khi thiếu thức ăn tụi cá lau kiếng còn đeo bám vào da cá vồ, cá tra để hút nhớt. Tui để ý thấy đám cá lau kiếng còn phá hại bờ ao, ống bọng nước rất dữ, nhưng không biết làm cách nào để tiêu diệt chúng”, ông Tư Chiến than thở.

Theo ông Tư Chiến, từ trước đến nay trong ao nhà ông không hề có cá lau kiếng, có lẽ cá non theo dòng nước từ ngoài sông lớn chảy vào ao, rồi định cư sinh sôi ngày càng nhiều. Hiện nay ở xã Tân Thanh, không riêng ao nhà ông Tư mà hầu hết các ao, mương vườn đều có sự hiện diện của cá lau kiếng. Riêng ông Tư, lúc này được nhiều người biết đến vì là người đầu tiên trong nhà có gần chục chiếc lu sành ủ nước mắm từ… cá lau kiếng.

Ông Tư kể: “Hôm đầu năm, ông Hùng ở cồn Qui thuộc ấp 3, xã Tân Thanh, tát ao nuôi cá trê, diện tích 2 héc-ta. Ao tát xong, bán hết cá trê cho thương lái thì ông Hùng còn dư hơn 3 tấn cá lau kiếng. Kêu bán không ai mua, ông Hùng tức mình đem đổ xuống sông Tiền.

Trong lúc đem cá đổ xuống sông, nhìn thấy tui bơi xuồng đi ngang, ông Hùng kêu lại cho tui cả trăm ký lô, lựa toàn con thật lớn. Đem mớ cá lau kiếng về nhà không biết làm gì, vợ chồng tui mổ bụng bỏ ruột cá, cho vô khạp ủ nước mắm, ăn thấy cũng được, nhưng đem bán thì… chẳng ai mua”.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, cá lau kiếng có tên khoa học là Hypostomus Plecostomus, còn gọi là cá tỳ bà, là loài sinh vật ngoại lai, nhập vào Việt Nam qua con đường cá cảnh. Do là loài ăn rong rêu, nên dân chơi cá cảnh nhập cá lau kiếng về để làm nhiệm vụ dọn dẹp hồ nuôi cá cảnh. Nhưng khi con cá lau kiếng lớn dần theo thời gian, dân chơi cá cảnh lại đem thả ra môi trường tự nhiên, khiến loài sinh vật ngoại lai này sinh sôi nảy nở không thể kiểm soát.

Mấy năm gần đây, thay vì tiêu diệt loài cá ngoại lai này thì nhiều thương lái ở vùng An Giang lai thu mua cá lau kiếng với giá 3.000 - 5.000 đồng/kg, để bán cá phóng sinh vào các dịp rằm, mùng 1 âm lịch. Chính vì vậy mà hiện nay cá lau kiếng đã ở ngoài tầm kiểm soát vì mức độ sinh sản rất nhanh. Mộtcán bộ ngành nông nghiệp ở Tiền Giang cho biết, cá lau kiếng là loài cá ngoại lai, mức độ sinh sản rất nhanh và đang ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố của hệ thủy sinh vật.

Cá lau kiếng ủ nước mắm ở nhà ông Tư Chiến - Ảnh: Thanh Anh

Cá lau kiếng ăn sinh vật bám, rong rêu và nhiều loại thức ăn khác, rất hung hăng trong môi trường tự nhiên, luôn cạnh tranh thức ăn gay gắt với các loài cá khác. Trên thực tế, cá lau kiếng có thể ăn được, nhưng không có giá trị thương phẩm. Vì vậy lâu nay cá lau kiếng được xem là loài cá nguy hại, cần phải bị tiêu diệt, nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Thực hư tin cá lau kiếng là “thần dược trị tiểu đường”

Theo ông Tư Chiến, dù bán ngoài chợ không ai mua nhưng lâu nay con cá lau kiếng lại được các “đệ tử lưu linh” phát hiện là đặc sản và đem chế biến thành nhiều món nhậu khoái khẩu. “Đó là các món cá lau kiếng nướng, hầm sả, kho tiêu, hầm nước dừa… Tui nghe nói ở Sóc Trăng người ta còn làm khô cá lau kiếng, nhưng chưa biết làm như thế nào, vì con cá lau kiếng chỉ có 2 miếng thịt trên lưng với chùm trứng là có thể ăn được”, ông Tư nói.

Trong khi đó nhiều dân nhậu ở Tiền Giang, Đồng Tháp, cho biết hơn 1 năm qua trong vùng xuất hiện tin đồn cá lau kiếng là “thần dược” trị bệnh tiểu đường, nên có người tìm bắt để… làm thuốc. Không biết thực hư tin đồn này thế nào, nhưng ông Tư B. (Trần Văn B. 62 tuổi ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), kể:

“Người ta hướng dẫn tui như thế này: mỗi lần tìm mua 2 con cá lau kiếng trọng lượng khoảng 500gr/con, làm sạch vảy, móc bỏ ruột, tẩm ướp gia vị vừa ăn rồi đem hầm với nước dừa xiêm và trái đu đủ mỏ vịt (vừa điểm chín), ăn cả cá lẫn nước và đu đủ. Mỗi tuần ăn 2 lần, bảo đảm sau 3 tháng bệnh sẽ thuyên giảm, 6 tháng bệnh sẽ hết. Không biết đã có ai ăn cá lau kiếng mà hết bệnh tiểu đường hay chưa, chứ bản thân tui ăn 7 tháng mà bệnh chẳng thuyên giảm, phải tiếp tục đi bệnh viện điều trị bằng thuốc Tây”.

Đem chuyện “cá lau kiếng trị bệnh tiểu đường” hỏi lương y Lê Hoàng Cung (Tiền Giang) thìông này khẳng định: “Từ trước đến nay tôi chưa nghe có bài thuốc nào nói cá lau kiếng trị hết bệnh tiểu đường. Điều trị bệnh tiểu đường phải tuân thủ 3 vấn đề: ăn uống hợp lý, rèn luyện thể lực và uống thuốc đặc trị. Về thuốc, cũng cần nói thêm là trị bệnh tiểu đường chủ yếu dùng thuốc Tây, thuốc Nam chỉ có tác dụng hỗ trợ. Cho nên có thể nói chuyện ăn cá lau kiếng trị dứt bệnh tiểu đường là hoàn toàn phi lý”.

Trước con cá lau kiếng, các tỉnh ĐBSCL từng khốn đốn với các sinh vật ngoại lai như ốc bươu vàng, cây mai dương, bọ cánh cứng hại dừa… nhưng cho đến nay các cơ quan hữu trách vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để tiêu diệt tận gốc các loài này. Gần đây nhất, nhiều ngư dân miền Tây còn bắt được cá hải tượng, cá sấu hỏa tiễn trên sông Tiền, sông Hậu và nhiều sông rạch nhỏ trong vùng. 2 loài cá này đều là sinh vật ngoại lai, thoát ra môi trường tự nhiên từ con đường sinh vật cảnh.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT, Bộ NN-PT-NT, cùng các bộ ngành liên quan, các địa phương, đề xuất với Chính phủ các giải pháp hữu hiệu để tăng cường quản lý, kiểm soát các loài ngoại lai nguy hại.

Ngoài quản lý kiểm soát, phải có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai, các biện pháp hạn chế, kiểm soát tác động tiêu cực của loài ngoại lai xâm hại. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ốc bươu vàng, cây mai dương, cá lau kiếng đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, khiến người dân hết sức vất vả để tiêu diệt.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
3 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân miền Tây ngán ngẩm vì cá lau kiếng