Theo các nhà phân tích thị trường, nhờ Libya không ngừng sản xuất dầu thô nên giá dầu trên toàn cầu đã hạ xuống dưới 100 USD/thùng hồi đầu tháng 8.
Sau nhiều tháng giảm sản xuất, sản lượng dầu thô Libya tăng lại hơn 1 triệu thùng/ngày, kể từ giữa tháng 7. Trước đó, Libya chỉ sản xuất một nửa sản lượng, chủ yếu do tình trạng bất ổn chính trị tiếp diễn ở nước này.
“Libya được ăn cả ngã về không”
Bây giờ, một vài chuyên gia nói bất chấp các vấn đề trong nước, Libya chưa bao giờ ngưng sản xuất dầu. Điều này không chỉ là chìa khóa giúp thị trường dầu quốc tế cân bằng trở lại và hạ giá bán, mà còn là một cách ổn định chính trị ở Libya.
Trong bài xã luận mang tựa “Libya được ăn cả ngã về không hoặc Ngoại giao Dầu mỏ Trung Đông của Biden” hồi tháng 7, tác giả Ben Fishman viết chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden cần cố gắng hơn trong việc ổn định tình hình chính trị Libya, và đưa thêm dầu thô Libya vào các thị trường quốc tế.
Fishman là một chuyên gia về Libya và là nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Chính sách Cận Đông (Mỹ). Ông nêu Libya được miễn trừ khỏi thỏa thuận hạn chế sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Trong tháng 7, Tổng thống Biden đã kêu gọi Ả rập Saudi bơm thêm dầu để kéo giảm sức ép lên thị trường dầu. Tuy nhiên, các nước OPEC đồng ý sẽ tăng tổng cộng 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 tới, tức chỉ là một mức tăng nhỏ.
Việc ổn định sản lượng dầu của Libya vốn được miễn trừ khỏi mức trần sản lượng của OPEC, có thể giúp thị trường có thêm từ 500.000 đến 1 triệu thùng dầu/ngày.
Các vấn đề về sản xuất của Libya
Libya đang đối mặt với tình hình bất ổn chính trị, nội chiến và xung đột bạo lực từ sau cuộc lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi hồi năm 2011. Dù vậy, dòng dầu thô Libya chưa bao giờ ngưng chảy. Vì Libya dựa mạnh vào nguồn thu nhập từ dầu, với các sản phẩm hóa dầu chiếm 94% hoạt động xuất khẩu và chiếm khoảng 60% thu nhập quốc gia.
Trong vài năm qua,nguồn thu này thay đổi đáng kể. Libya có trữ lượng dầu lớn hàng thứ 9 thế giới và trước cuộc nổi dậy năm 2011, Libya sản xuất trung bình 1,3 triệu thùng/ngày.
Nhưng đến năm 2020, sản lượng giảm còn 400.000 thùng/ngày, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Đó là hậu quả của xung đột giữa hai chính phủ ở miền đông và miền tây Libya.
Một thỏa thuận đình chiến được ký vào giữa năm 2020, và sản lượng tăng lên 1,2 triệu thùng/ngày hồi năm 2021.
Nhưng sau đó sản lượng lại giảm. Trong tháng 7 năm nay, Libya sản xuất khoảng 589.000 thùng/ngày, theo Bloomberg. Nguyên nhân là các bộ tộc bao vây quân sự các cơ sở sản xuất dầu ở địa phương và các điểm xuất khẩu, trong cuộc tranh cãi ai nên đứng đầu Công ty Dầu mỏ Quốc gia (NOC) - tổ chức duy nhất được phép xuất khẩu dầu.
Vụ bao vây gần đây nhất đã kết thúc vào giữa tháng 7, khi chính phủ miền tây Libya đồng ý chỉ định Farhat Bengdara làm giám đốc mới của NOC. Bengdara được xem là một đồng minh của Khalifa Haftar, một thủ lĩnh dân quân nhiều quyền lực ở miền đông Libya.
Các bộ tộc thực hiện bao vây các cơ sở sản xuất dầu cũng liên minh với Haftar, và sự chỉ định Bengdara nắm NOC được xem là một cách để chính phủ miền tây Libya nhượng bộ các tay môi giới quyền lực ở miền đông như Haftar, nhằm đạt mục tiêu quan trọng hơn là dòng dầu lại chảy.
Sự can thiệp của nước ngoài liệu có ích?
Trước đây, Bộ Dầu mỏ Libya tuyên bố trong 5 năm tới Libya sẽ tìm cách tăng sản lượng lên từ 2 triệu đến 2,5 triệu thùng/ngày. Việc đưa thêm số dầu này vào thị trường sẽ tạo khác biệt lớn cho giá dầu toàn cầu.
Nguồn khí đốt của Libya cũng có thể giúp nước này trở thành nguồn cung cho châu Âu. Hiện tại, dòng khí Libya chảy qua Ý. Hồi tháng 4, Đại sứ Ý ở Libya, ông Giuseppe Buccino cho rằng, nếu đầu tư hiệu quả thì có thể tăng 30% dòng khí xuất khẩu từ Libya.
Tarek Megerisi, một nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về chính trị Libya ở Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói: “Nếu châu Âu giúp ổn định tình hình Libya, thì họ có thể làm suy yếu một quan tâm lớn trong chính sách đối ngoại của Nga, ổn định một dòng năng lượng chủ đạo giữa Bắc Phi với châu Âu, và chuyển đổi một nguồn lực gây bất ổn thành một đối tác có giá trị”.
Nga chỉ là một trong số các nước cố gắng gây tầm ảnh hưởng ở Libya. Các nước khác gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập - vốn đều được ghi nhận là ngày càng thân thiện với Nga. UAE bị cáo buộc là một thế lực đứng sau sự thay đổi lãnh đạo NOC.
Emadeddin Badi, một thành viên chuyên về Libya ở Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói rằng: "Ổn định hoạt động sản xuất dầu-khí Libya nên là một quan tâm lớn của quốc tế. Sự quan tâm này cũng có thể là bước quan trọng đầu tiên để đạt đến một giải pháp cho các vấn nạn chính trị của Libya". Nhưng không hẳn ai cũng đồng ý.
Jalel Harchaoui, một nhà khoa học chính trị chuyên về Bắc Phi ở Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (Anh) nói, ổn định tình hình Libya là việc không dễ.
Ông dẫn chứng năm 2019, sản lượng dầu vẫn cao nhưng thủ đô Tripoli của Libya bị đánh bom và thủ lĩnh dân quân Haftar tiến hành chiến dịch quân sự làm hàng ngàn người chết, bị thương và phải sơ tán.
Harchaoui kết luận: “Thứ quan trọng là quyền lực, không phải nguồn thu từ dầu mỏ hoặc phân phát nguồn thu này một cách bình đẳng. Libya càng có nhiều thế lực như Haftar thì họ sẽ càng cố gắng có được phần chia nhiều hơn. Và điều đáng tiếc là họ không bao giờ thỏa mãn”.