Căng thẳng biên giới Serbia - Kosovo bùng nổ tuần trước làm dấy lên lo ngại sẽ có thêm một cuộc chiến nữa tại châu Âu.

Châu Âu trước nguy cơ có thêm một cuộc chiến

Cẩm Bình | 11/08/2022, 09:07

Căng thẳng biên giới Serbia - Kosovo bùng nổ tuần trước làm dấy lên lo ngại sẽ có thêm một cuộc chiến nữa tại châu Âu.

Tình hình trên thực địa qua một tuần đã lắng dịu, suy đoán nguy hiểm và thông tin sai lệch bị đẩy lùi. Với người dân địa phương thì đợt leo thang căng thẳng như vậy là chuyện thường ngày không nhất định là dấu hiệu báo trước xung đột đẫm máu những năm 1990 sắp lặp lại.

Nhưng khi cuộc chiến Nga phát động tại Ukraine đang diễn ra, châu Âu vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm.

Tiến sĩ Donika Emini (Đại học Westminster, Anh) - người đứng đầu mạng lưới các tổ chức dân sự CiviKos - cho biết: “Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn nhiều so với khủng hoảng tuần trước, chỉ là cộng đồng quốc tế hiếm khi quan tâm đến chúng mà thôi. Tuy nhiên vì cuộc chiến tại Ukraine mà mọi người đều cảnh giác cao độ”.

Nguồn cơn căng thẳng mới nhất

Căng thẳng xuất hiện từ tháng 9.2021, bắt nguồn từ việc Kosovo muốn gia tăng ảnh hưởng với nhóm dân tộc thiểu số Serbia tập trung ở phía bắc. Serbia vốn coi Kosovo là một phần lãnh thổ đã lên tiếng phản đối.

Tháng 7 trước, người đứng đầu chính quyền Kosovo Albin Kurti thông báo người Serbia sống trên lãnh thổ phải sử dụng biển số xe của Kosovo và người từ Sebia sang xin một số giấy tờ nhập cảnh đặc biệt.

Nhóm người Serbia phía bắc Kosovo cuối tuần trước tỏ ý phản đối bằng cách dùng xe tải cùng máy móc hạng nặng phong tỏa các con đường dẫn đến hai cửa khẩu Jarinje và Bernjak. Có thông tin vài người nổ súng vào cảnh sát, nhưng may mắn không ai bị thương.

Ngày 6.8, tàu tuần tra biên giới của cảnh sát Kosovo bị bắn khi đang di chuyển dọc hồ Ujman. Tình hình căng thẳng đến mức lực lượng gìn giữ hòa bình NATO đóng tại Kosovo (KFOR) tuyên bố sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định bị phá vỡ.

Sau cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao Kosovo với Đại sứ Mỹ tại Kosovo, chính quyền vùng lãnh thổ này đồng ý hoãn thực hiện loạt quy định gây tranh cãi đến ngày 1.9.

Nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng mới nhất được cho là đối thoại Kosovo - Serbia mà EU tạo điều kiện tiến hành nhằm giải quyết loạt vấn đề như biển số xe hay công nhận bằng tốt nghiệp đại học không hiệu quả như mong muốn.

“Hai bên đã cố gắng xây dựng chi tiết thỏa thuận về biển số xe tại đối thoại ở Brussels từ tháng 9 năm ngoái, nhưng không đạt kết quả”, theo tiến sĩ Emini.

serbia.jpg
Phía bắc Kosovo vừa bùng lên căng thẳng - Ảnh: Getty Images

Bối cảnh lịch sử của căng thẳng

Khu vực phía tây Balkan chứng kiến giao tranh và đổ máu trong những năm 1990 khi Nam Tư tan rã. Giữa các nước cộng hòa thành lập sau đó xảy ra chiến tranh liên miên.

Những chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc cùng với căng thẳng sắc tộc thường xuyên gây nên hàng loạt xung đột cho đến ngày nay. Tuy vậy kể từ năm 1999, chưa từng có vụ xung đột nào lớn như cuộc chiến tại Ukraine.

Năm 2008, Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia nhưng không được LHQ công nhận. Trong hai thập niên qua Kosovo nỗ lực tăng cường hợp tác với NATO, EU và Liên Hợp Quốc.

Tiến sĩ Emini bày tỏ lo ngại: “Cứ mỗi 6 tháng lại có chuyện xảy ra ở phía bắc Kosovo, đáng buồn là với Kosovo thì đây còn chẳng đáng là tin tức. Họ đang đùa với lửa, một ngày nào đó những chuyện này sẽ leo thang vượt xa mức chúng ta nghĩ”.

Giới lãnh đạo tại Kosovo và Serbia

Tại Kosovo, chính trị gia Albin Kurti lên nắm quyền vào năm 2021. Ông lãnh đạo đảng Vetëvendosje nổi tiếng với quan điểm chỉ trích các tổ chức quốc tế ảnh hưởng quá lớn đến chuyện nội bộ Kosovo.

Nhà lãnh đạo Kurti áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với cả Serbia lẫn EU. Theo nhà nghiên cứu Ramadan Ilazi thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh Kosovo: “Chính quyền đương nhiệm thúc đẩy quan niệm đối thoại EU tạo điều kiện tiến hành thiếu công bằng, đòi hỏi Kosovo nhượng bộ nhiều hơn”.

Nhà lãnh đạo Kurti cũng mạnh tay hơn với nhóm dân tộc thiểu số Serbia phía bắc. Đồng dinar của Serbia vẫn được sử dụng rộng rãi ở phía bắc Kosovo, phía Serbia tiếp tục cung cấp tài chính cho hệ thống y tế và giáo dục tại khu vực. Không ít cư dân chỉ có quốc tịch Serbia ngay cả khi đang sinh sống trên lãnh thổ Kosovo.

Lâu nay chính quyền Kosovo hành xử rất thận trọng với khu vực phía bắc mặc dù hiến pháp trao cho họ quyền thực thi chủ quyền với vùng này. Nhưng nhà lãnh đạo Kurti nay lại thẳng tay triển khai cảnh sát đặc nhiệm đến xử lý hàng loạt vấn đề như biểu tình hay buôn lậu.

Về phía Serbia, Tổng thống Aleksandar Vucic không ngần ngại đối đầu, cáo buộc Kosovo muốn thông qua loạt quy định gây tranh cãi gần đây trục xuất nhóm người Serbia.

“Nếu họ dám trục xuất người Serbia, sẽ không có chuyện chúng tôi đầu hàng và Serbia sẽ chiến thắng”, Tổng thống Vucic cảnh báo. Nhiều người xem đây là lời đe dọa động binh.

Vai trò của NATO và EU

Trong trường hợp giao tranh thực sự nổ ra, cả Kosovo lẫn Serbia đều ràng buộc bởi một thỏa thuận trong đó NATO có tiếng nói cuối cùng.

Thỏa thuận giúp Kosovo có được sự bảo vệ tương tự như điều 5 Hiến chương NATO mặc dù chưa gia nhập. Điều 5 quy định tấn công một quốc gia trong liên minh sẽ bị xem là tấn công vào toàn liên minh, nghĩa là các nước thành viên còn lại phải đứng ra bảo vệ.

Ngoài KFOR, NATO còn có thể lập tức triển khai lực lượng dự phòng hoặc lực lượng từ xa nếu cần thiết.

EU cũng có vai trò trong giải quyết khủng hoảng. Sau  cảnh sát Kosovo chịu trách nhiệm phản ứng đầu tiên, đơn vị cảnh sát quốc tế nhận hỗ trợ tài chính từ EU là lực lượng thứ hai được trao quyền kiểm soát đám đông và xử lý bạo loạn.

NATO là phương án cuối cùng. Theo nhà nghiên cứu Ilazi: “Họ có thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn nếu xác định tình hình diễn biến nguy hiểm, có hại cho an ninh”.

Diễn biến sắp tới

Các con đường dẫn đến hai cửa khẩu Jarinje và Bernjak nay đã thông thoáng, nhưng loạt quy định gây tranh cãi chỉ được trì hoãn đến ngày 1.9.

Ủy viên đối ngoại EU Josep Borell xác nhận đại diện Kosovo và Serbia chuẩn bị gặp nhau tại Brussels vào ngày 18.8. Tổng thống Vucic không đặt kỳ vọng quá lớn với đối thoại.

Nga cũng nhúng tay vào căng thẳng vì có quan hệ thân thiết với Serbia. Moscow ngày 8.8 tuyên bố nước này sẵn sàng thiết lập căn cứ quân sự tại Serbia để bảo vệ đồng minh.

Bài liên quan
Mỹ và châu Âu bất đồng ý kiến về nguyên nhân làm hỏng 2 tuyến cáp ngầm biển Baltic
Đài CNN cho biết giới chức châu Âu tin rằng vụ việc lưu lượng của hai tuyến cáp internet ngầm ở biển Baltic bất ngờ bị gián đoạn mới đây là do hành động phá hoại, nhưng phía Mỹ lại nghĩ có khả năng đây chỉ là vụ tai nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu trước nguy cơ có thêm một cuộc chiến