Việc yêu cầu công trình, nhà xưởng phải được sơn chống cháy khiến một doanh nghiệp đầu tư 2,8 tỉ đồng xây nhà kho phục vụ hoạt động logistics, nhưng chỉ riêng chi phí cho phòng cháy chữa cháy đã lên tới 1 tỉ đồng (gần 1/3 trị giá công trình).

Đầu tư nhà xưởng 2,8 tỉ, doanh nghiệp phải chi 1 tỉ cho việc PCCC

Hoài Lam | 04/04/2023, 16:40

Việc yêu cầu công trình, nhà xưởng phải được sơn chống cháy khiến một doanh nghiệp đầu tư 2,8 tỉ đồng xây nhà kho phục vụ hoạt động logistics, nhưng chỉ riêng chi phí cho phòng cháy chữa cháy đã lên tới 1 tỉ đồng (gần 1/3 trị giá công trình).

Doanh nghiệp khó dự đoán chính sách

Tại hội thảo “Công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, bên cạnh việc rất nhiều thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ đã được cắt giảm, đơn giản hóa, thì doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này.

Lý do là nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho doanh nghiệp (ví dụ các quy định về phòng cháy chữa cháy) vẫn còn thiếu vắng trong các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ.

Ngoài ra, năm 2022, có những vấn đề “nóng” đòi hỏi nhà quản lý phải nhìn nhận lại cơ chế quản lý và hoàn thiện chính sách, như hoạt động đấu giá đất và bỏ cọc của doanh nghiệp trúng đấu giá, hay các vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ… Những hoạt động này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế và ảnh hưởng khác lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh…

Ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI) cho biết, về vấn đề tính ổn định và dự đoán được của việc thực thi pháp luật, tỷ lệ doanh nghiệp có thể dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương có xu hướng giảm dần. 10 năm trước, vào năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được là khoảng 14,29%, nhưng vài năm gần đây, tỷ lệ chưa đến 5%.

duc.jpg
Ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI) phát biểu tại hội thảo

VCCI cho rằng rủi ro pháp lý cao sẽ đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh trở nên khó khăn. Trong sự rủi ro này, theo VCCI, doanh nghiệp tư nhân trong nước nhạy cảm với rủi ro pháp lý hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Các doanh nghiệp nhà nước thường có lợi thế trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước cả trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp nhà nước ít phải đối mặt với rủi ro thay đổi chính sách đột ngột hoặc sự thiếu nhất quán trong thực thi pháp luật từ phía chính quyền. Các doanh nghiệp FDI cũng thường được bảo hộ theo các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam...”, VCCI nêu.

Kết quả cải cách môi trường kinh doanh chưa đạt kỳ vọng

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng các kết quả cải cách môi trường kinh doanh vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ.

Theo bà Thảo, trên thực tế, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có những bất cập chính sách, vì vậy nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả.

“Gánh nặng chính sách đối với doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn”, bà Thảo nói.

Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, theo bà Thảo, Chính phủ giao các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan.

vcci.jpg
Hội thảo Công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”

“Nhìn chung, nhiệm vụ này từ năm 2022 chưa có nhiều chuyển biến. Năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12.5.2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, các bộ ngành đã xây dựng kế hoạch cắt giảm quy định, trong đó có một số quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng các điều kiện kinh doanh bị cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, bà Thảo nói.

TS Nguyễn Minh Thảo cũng chia sẻ, qua rà soát các văn bản pháp lý về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có thể thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu trong danh mục của Luật Đầu tư năm 2020 ít hơn nhiều số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành.

Mặt khác, quá trình theo dõi việc thực thi cải cách ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng như điều kiện kinh doanh và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách cho thấy kết quả còn hạn chế. Trên thực tế, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học…

“Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; áp đặt điều kiện quá mức cần thiết và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp. Chẳng hạn như yêu cầu công trình nhà xưởng phải được sơn chống cháy khiến một doanh nghiệp đầu tư 2,8 tỉ đồng xây nhà kho phục vụ hoạt động logistics, nhưng chỉ riêng chi phí cho PCCC đã lên tới 1 tỉ đồng (bằng gần 1/3 giá trị công trình). Khảo sát ở một số địa phương cho thấy các doanh nghiệp sản xuất, trung bình việc đầu tư sơn để PCCC làm tăng 20% giá thành nhà xưởng”, bà Thảo nêu.

Mặt khác, theo bà Thảo, trong một thời gian dài, công tác kiểm tra về PCCC mang nặng tính hình thức, chiếu lệ, nên khi có vụ việc xảy ra thì cơ quan quản lý phản ứng theo chiều hướng cực đoan. Gần đây, công an thực hiện kiểm tra PCCC liên tục; nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về PCCC.

“Thực trạng này ảnh hưởng xấu tới cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động và gây ra các hệ lụy xã hội khác”, bà Thảo nói.

Bài liên quan
Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẽ là cửa ngõ kết nối các doanh nghiệp Peru với thị trường ASEAN
Trưa 14.11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Lima, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu Peru. Đây đều là doanh nghiệp lớn của Peru trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, đầu tư cảng biển, dịch vụ tài chính, quản lý quỹ tương hỗ, điện và bảo hiểm...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư nhà xưởng 2,8 tỉ, doanh nghiệp phải chi 1 tỉ cho việc PCCC