Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Thủ tướng và Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu về vấn đề ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Vì sao Bộ Tài chính không duy trì ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước?

H.Đ | 04/04/2023, 14:30

Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Thủ tướng và Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu về vấn đề ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

oto.jpg

Về đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 12.2019, dịch COVID-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, như làm gián đoạn chuỗi cung ứng, và nhu cầu mua ô tô suy giảm.

Để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất kinh doanh trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28.6.2020 để giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 28.6.2020 đến hết ngày 31.12.2020).

Sau đó, đến tháng 5.2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, nguy cơ dứt gãy chuỗi cung ứng cản trở mạnh quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nước ta, trong đó ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, số lượng xe tiêu thụ giảm mạnh. Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26.11.2021 tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 1.12.2021 đến hết ngày 31.5.2022).

Sau khi hết thời hạn 31.5.2022 thì từ ngày 1.6.2022, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15.1.2022. Theo đó, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng mức thu LPTB đối với ô tô cùng loại.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành; có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung; góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phi khi đăng ký sở hữu xe ô tô; kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN...

Từ đó, chính sách giảm thuế này góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính đề nghị chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lý do là chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Từ góc độ nhất định, chính sách này có khả năng bị coi là chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư.

Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như một khoản trợ cấp của chính phủ và Việt Nam có thể nhận được các yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.

Vì vậy, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ LPTB, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu theo Luật Ngân sách nhà nước.

Thay vào đó, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, cân đối với điều kiện thực tế để nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp, trước mắt tập trung nghiên cứu triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong số đó, có doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Cụ thể như: gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất phải nộp để hỗ trợ thành khoản; giảm tiền thuế đất năm 2023...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Bộ Tài chính không duy trì ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước?