Giúp người nông dân sử dụng khoa học, hiệu quả và tiết kiệm nhất các loại giống, các loại phân bón... là điều rất cần thiết, thậm chí là cấp thiết để phát triển nông nghiệp sau COVID-19.

Đẩy mạnh phát triển giống và phân để xây dựng thương hiệu nông sản sau COVID-19

Anh Tú | 25/11/2021, 10:25

Giúp người nông dân sử dụng khoa học, hiệu quả và tiết kiệm nhất các loại giống, các loại phân bón... là điều rất cần thiết, thậm chí là cấp thiết để phát triển nông nghiệp sau COVID-19.

Người nông dân Việt Nam từ xưa tới giờ có phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó nhưng để có nguồn nông sản ổn định và cạnh tranh trên thế giới thì sự cần cù vẫn chưa thể đủ. Chẳng hạn để có được một loại thóc tốt thì ngoài mồ hôi của người nông dân thì cần phải có nhất giống nhì phân.

nong-dan.jpg
Người nông dân Việt Nam nổi tiếng cần cù

Ngày nay, Việt Nam đang đối mặt với biến đổi khí hậu to lớn khi vựa thóc ĐBSCL đang chịu hạn mặn xâm nhập khốc liệt. Đây chính là lúc mà các nhà nghiên cứu Việt Nam cần phải nghĩ về những loại hạt giống mới thích ứng được với điều kiện thời tiết đã thay đổi.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tự chủ được cả vấn đề phân bón. Ngoài việc đáp ứng tốt với thổ nhưỡng, giống cây thì phân bón còn giúp người nông dân khỏi đau đầu về giá cả.

Phân bón đang trở nên là vấn đề nóng bỏng với nông nghiệp Việt Nam. Trước mắt giá thành phân bón cao đang là gánh nặng với nông dân. Còn về lâu về dài, phân bón có thể không còn là đồng minh của nông dân mà chuyển sang thành kẻ thù. Câu chuyện tương tự với thuốc trừ sâu vì suy cho cùng, dùng hóa chất để giúp cây trồng luôn là con dao 2 lưỡi.

Sự xuất hiện của nền nông nghiệp thông minh 4.0 tại Việt Nam là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu sự kết thúc của sự phụ thuộc hoàn toàn vào nước, phân bón và thuốc trừ sâu. Thay vào đó, nông dân sẽ sử dụng những lượng nhỏ nhất những thứ kể trên và tăng cường truy cập dữ liệu thu thập qua công nghệ GPS, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, độ mặn để phá vỡ những thách thức truyền thống đối với việc lựa chọn cây trồng, tiếp cận thị trường và đổi mới.

Vào những năm 1980, Việt Nam là một quốc gia đói kém. Trong hơn ba thập kỷ Đổi mới, những cải cách đã làm thay đổi cục diện kinh tế - xã hội. Việc chuyển từ tập thể hóa sang sở hữu đất đai cá nhân đã nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo. Nhờ tự do hóa thị trường nông nghiệp, Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thế giới, đã tăng 4,2% trong năm 2019 với doanh thu từ xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 tỉ USD.

Nhưng các tác nhân của biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, hạn hán, giảm nguồn cung cấp nước ngọt, ô nhiễm, nước biển dâng đang tạo ra một cơn bão tổng hợp gây tổn hại đến sự phát triển nông nghiệp bền vững. 

“Biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ lụt và hạn hán trở nên trầm trọng hơn. Do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cần phải có những đánh giá (khoa học) về tính dễ bị tổn thương của tài nguyên thiên nhiên và môi trường ven biển”, ông Nguyễn Hoàng Sơn, chuyên gia địa lý tại Đại học Huế, khẳng định. 

Nhưng bên cạnh các tác nhân có tính khách quan thì còn phải kể đến các yếu tố mang tính chủ quan từ người nông dân. Để có được mùa màng tươi tốt, người nông dân sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Việc sử dụng lâu dài hóa chất mang đến những thách thức to lớn cho nông nghiệp bền vững. 

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam nếu quyết đạt được bằng mọi giá dễ phải trả giá bằng môi trường. Thành công trong nông nghiệp sẽ để lại hậu quả như mất rừng, rừng ngập mặn và cạn kiệt nguồn thủy sản cho đến tỷ lệ suy thoái đất và ô nhiễm nước ngày càng tăng liên quan đến việc sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu.

Một nghiên cứu về Chính sách công của Wharton cảnh báo Việt Nam rằng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giảm diện tích đất nông nghiệp, nên nhu cầu cấp bách về nông nghiệp công nghệ cao và thông minh với khí hậu (CSA). Nghiên cứu nhấn mạnh rằng quy mô việc sử dụng phân bón và các hóa chất nông nghiệp khác ở Việt Nam hiện giờ đối diện với nguy cơ không bền vững. Trong hoàn cảnh không thể dứt bỏ phân bón và thuốc trừ sâu trong một sớm một chiều thì cần phải có phanh hãm, tức là dùng nó một cách hiệu quả hơn tình trạng hiện giờ.

Có những sáng kiến ​​trên toàn châu Á kêu gọi sự chú ý đến việc quản lý đất nông nghiệp và giúp nông dân lựa chọn các giải pháp thay thế để giảm hoặc tối ưu hóa việc sử dụng phổ biến thuốc trừ sâu. Điều này gồm cả việc áp dụng CropLife Asia hay một ứng dụng mới của Việt Nam, Thuoc BVTV. Đó là dạng ứng dụng đưa dữ liệu và thông tin trực tiếp đến điện thoại thông minh của nông dân để họ có thể xác định các phương pháp kiểm soát dịch hại ít độc hại nhất cho cây trồng của họ. Việc tạo ra những ứng dụng tương tự để giúp người nông dân sử dụng khoa học, hiệu quả và tiết kiệm nhất các loại thuốc trừ sâu, các loại phân bón là điều rất cần thiết, thậm chí là cấp thiết. Đồng thời, cần phải khuyến khích, hỗ trợ người nông dân tiếp cận nhanh chóng và đơn giản các kiến thức này.

Chính phủ Việt Nam đã nhận thức sớm rằng các hoạt động nông nghiệp không bền vững và việc sử dụng quá nhiều hóa chất nông nghiệp bị người tiêu dùng toàn cầu quay lưng vì vấn đề an toàn thực phẩm. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã điều chỉnh chính sách từ số lượng sang chất lượng trong thực hành canh tác.

Những nông dân thế hệ 4.0 cũng sớm hiểu được lợi ích thiết thực từ các kiến thức mới trong làm nông nghiệp chuẩn thế giới. Chẳng hạn Võ Văn Tiếng, một nông dân trẻ, hiểu được sự thay đổi này trong thực phẩm bền vững chất lượng cao và đã tiên phong xây dựng trang trại sinh vật cảnh thành công ở tỉnh Đồng Tháp. Với điện thoại thông minh trong tay, các ứng dụng có sẵn và một tài khoản Facebook đang hoạt động, anh ấy đã tiếp nhận và quảng bá thông tin về Nền kinh tế xanh mới và các loại cây trồng không thuốc trừ sâu của mình.

Tại Việt Nam, diện tích canh tác hữu cơ được chứng nhận đã mở rộng trong vòng 5 năm qua với doanh thu thị trường hữu cơ ước tính đạt 132,15 triệu USD một năm. Hầu hết các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Nếu các nông dân đều biết ứng dụng để tạo ra những nông sản theo chuẩn hạn chế phân bón và thuốc trừ sâu thì điều đó thật sự có lợi cho môi trường Việt Nam, nền nông nghiệp Việt Nam, xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế hậu COVID-19.

Cũng phải nói thêm rằng có sự gia tăng trong tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại Việt Nam. Hiện tại, 70% dân số 98 triệu của Việt Nam dưới 35 tuổi và có một tầng lớp trung lưu mới nổi — chiếm 13 % dân số nhưng dự kiến ​​sẽ đạt 26% vào năm 2026.

Tập đoàn tư vấn Boston báo cáo rằng Việt Nam có dân số trung lưu tăng nhanh nhất ở Đông Nam Á và cùng với sự gia tăng đó là sự gia tăng tiêu dùng, đặc biệt là ở giới trẻ, đối với thực phẩm chất lượng. Trong một phần tư thế kỷ qua, sự chuyển dịch từ lối sống tự cung tự cấp sang lối sống tiêu dùng đã diễn ra mạnh mẽ.

Những người có thu nhập tốt ở Việt Nam ngày càng nhiều. Họ sẵn sàng trả tiền cao để có được thực phẩm tốt. Do vậy, người nông dân Việt Nam có thể đưa ra thị trường trong nước những sản phẩm sạch không lạm dụng phân bón và thuốc trử sâu một cách đáng tin cậy thì cũng sẽ thắng lớn ở thị trường trong nước không chỉ hiện tại, mà cả trong tương lai.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy mạnh phát triển giống và phân để xây dựng thương hiệu nông sản sau COVID-19