Sự gia tăng đột biến số lượng chip giả xâm nhập thị trường Nhật Bản góp phần hình thành ngành giám định sản phẩm bán dẫn này.
Tại một căn phòng bên trong trung tâm phân phối ở tỉnh Nagano của công ty kinh doanh chip CoreStaff, chuyên gia kỹ thuật đang làm việc với kính hiển vi, máy chụp X quang cùng nhiều thiết bị kiểm tra khác.
Hiển thị trên màn hình máy tính là hình ảnh phóng to của 1 con chip có vài vết xước nhỏ lẫn một số khuyết tật khác. Chuyên gia kỹ thuật đặc biệt chú ý đến bề mặt dường như bị làm mòn – một dấu hiệu làm giả.
“Bề mặt trông thô ráp. Các ký hiệu chắc hẳn đã được in đè lên”, theo chuyên gia kỹ thuật.
Số yêu cầu giám định chip mà CoreStaff nhận được tăng gấp 3 thậm chí gấp 4 lần so với một năm trước đó, đem lại lượng công việc gần như phải làm mỗi ngày.
Với chip giả có logo và tem khắc được sao chép y như thật, đội ngũ chuyên gia sẽ dùng máy chụp X quang hoặc thiết bị chuyên dụng khác kiểm tra khác biệt bên trong. CoreStaff còn xác định được số lượng của loại vật liệu cụ thể nào đó trong sản phẩm bán dẫn.
Chủ tịch CoreStaff Masaki Tozawa cho biết: “Nhu cầu càng cao càng khó tìm kiếm chip, nguy cơ hàng giả được làm và tung ra thị trường vì vậy cũng tăng lên”.
Tình trạng thiếu hụt chip xảy ra từ cuối năm 2020 với nguyên nhân ban đầu do đại dịch làm gián đoạn nguồn cung. Song khi hoạt động sản xuất trở lại bình thường, nhu cầu sử dụng được thúc đẩy bởi đại dịch tăng vọt khiến tình trạng thiếu hụt kéo dài và ngày càng nghiêm trọng.
Thiếu hụt buộc nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử phải mua chip từng lưu hành trên thị trường hoặc chip vốn là hàng tồn kho dư thừa. Chính vào lúc này nguy cơ xuất hiện chip giả rất cao, hoạt động mua lại chip chưa được bán trước đó thường diễn ra thông qua kênh không thích hợp.
Có rất nhiều cách tuồn chip giả vào thị trường. Một cách phổ biến là khôi phục chip lấy từ máy tính hoặc thiết bị điện tử bị vứt bỏ, làm giả logo cùng số hiệu cho giống sản phẩm mới.
Hiện chưa thể xác định xuất xứ, nhưng nhiều người nghi ngờ phần lớn chip giả đến từ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á nơi nắm giữ nhiều mắc xích trong chuỗi cung ứng.
Bối cảnh trên thúc đẩy nhiều một số công ty kinh doanh chip của Nhật mở thêm mảng kinh doanh dịch vụ giám định. Trước đây họ cung cấp dịch vụ này miễn phí để đáp ứng nhu cầu dùng hàng chất lượng cao của người mua Nhật.
Ngoài CoreStaff, Ryosan cũng triển khai dịch vụ giám định từ tháng 4.2020, thu hút nhiều khách hàng mới. Trung tâm công nghệ của Ryosan trang bị đầy đủ loạt thiết bị phục vụ công việc xem xét chip thật giả, tìm ra nguyên nhân chip kém chất lượng. Họ cung cấp báo cáo rất chi tiết nhằm xây dựng lòng tin với khách hàng.
Dịch vụ giám định chuyên sâu có thể tốn đến 1 triệu yên (8.700 USD). Nhưng đơn vị như Ryosan có thể tận dụng loạt cơ sở nhàn rỗi thực hiện giám định đơn giản chỉ với vài chục nghìn yên.
CoreStaff thì đem đến gói sử dụng 5 lần giám định/tháng giá từ 100.000 yên, dịch vụ thu về ít doanh thu nhưng giúp thu hút khách mua sản phẩm bán dẫn mới. Một công ty kinh doanh chip khác là Restar Holding cũng nhận được hàng chục yêu cầu giám định trong năm nay.
Hiệp Hội Ngành bán dẫn Mỹ ước tính mỗi năm các công ty nước này thiệt hại 7,5 tỷ USD vì sản phẩm giả. Ô tô, máy bay hoặc thiết bị y tế dùng chip giả có thể đem lại sự cố chết người, vấn đề càng nghiêm trọng hơn nếu chúng được lắp đặt cho trang thiết bị quân sự.