Sáng 5.7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường có buổi làm việc và dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Nội chính Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng dự hội nghị.
Tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh, tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh chóng, rất phức tạp. Trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp quan trọng của Ban Nội chính Trung ương. Tiêu biểu là Ban Nội chính Trung ương đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng nhiều chủ trương, quan điểm, định hướng lớn, chiến lược về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Thường trực Ban Bí thư đánh giá rất cao việc Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp tham mưu tổ chức 3 Hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ trì tham mưu biên soạn và phổ biến, quán triệt nội dung, giá trị cốt lõi trong tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ban Nội chính Trung ương luôn chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần tiếp tục đẩy mạnh, tạo bước đột phá mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Nội chính Trung ương tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, giải quyết những vấn đề nổi cộm, vướng mắc trong thực tiễn; chỉ đạo tổ chức kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan đến một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; thanh tra, kiểm toán các chuyên đề, vụ việc phức tạp, nổi cộm, dư luận quan tâm; tham mưu, tổ chức kiểm tra hoặc chỉ đạo kiểm tra đối với các chuyên đề về các vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực... Qua đó, đã phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ, việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực…
Biểu dương những kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và nhấn mạnh, Ban Nội chính Trung ương cần nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhất là phải tiếp tục làm tốt công tác tham mưu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc triển khai thực hiện tốt Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; tham mưu xử lý dứt điểm các các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên, phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Dứt khoát không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người đã phạm sai lầm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, bao che tội phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng".
Theo Thường trực Ban Bí thư, tới đây, Ban Nội chính Trung ương cần tập trung nghiên cứu hoàn thành các đề án, nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2024, nhất là khẩn trương hoàn thành các Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo đúng kế hoạch. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu, đề xuất những chủ trương, quan điểm định hướng lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp để phục vụ việc xây dựng các dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ban tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tham mưu cho hai Ban Chỉ đạo chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực xảy ra nhiều vụ việc vi phạm lớn thời gian qua. Nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các đề án, văn bản về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm cho pháp luật phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo. Nhất là tập trung tham mưu chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng), Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An... và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Cho rằng thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của các Ban Đảng nói chung, Ban Nội chính Trung ương nói riêng thực hiện chưa được thường xuyên, chất lượng, hiệu quả chưa cao, theo Thường trực Ban Bí thư, cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tham mưu xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của hai Ban Chỉ đạo trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Trung ương bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả.
Qua công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện và tham mưu giải quyết những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cải cách tư pháp - Thường trực Ban Bí thư đề nghị.