Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm nêu rõ, từ năm 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh tăng giá điện, chưa bao giờ điều chỉnh giảm, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành điện, chưa giải quyết được bức xúc tiền điện, quy hoạch bất cập kể cả nguồn điện, lưới điện, rủi ro thiếu điện...

ĐB Hoàng Quang Hàm: Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương chưa nỗ lực giảm giá điện

Bùi Trí Lâm | 08/09/2020, 10:07

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm nêu rõ, từ năm 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh tăng giá điện, chưa bao giờ điều chỉnh giảm, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành điện, chưa giải quyết được bức xúc tiền điện, quy hoạch bất cập kể cả nguồn điện, lưới điện, rủi ro thiếu điện...

Điện gió, điện mặt trời phát triển mang tính phong trào

Tại phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết điện than vẫn còn vai trò nhưng sẽ giảm nhiều so với tổng sơ đồ điện 7. Đồng thời, điện than sẽ được quản lý chặt chẽ về điều kiện môi trường và xem xét kỹ lưỡng khi đưa vào quy hoạch bổ sung.

Lãnh đạo ngành công thương nhấn mạnh, điện than không phải là tội đồ. Tuy nhiên, đã điều chỉnh nhiều dự án nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch điện 7 sau khi Quy hoạch điện 7 điều chỉnh được phê duyệt đã không còn các dự án như: Nhiệt điện Uông Bí 3, Yên Hưng, Bắc Giang, Kiên Lương. Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng tái tạo cũng được khuyến khích phát triển từ mức chỉ chiếm 5,6% trong Quy hoạch điện 7 tăng lên 9,9% trong Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh).

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, các mục tiêu theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã không đạt. “Trước đây, địa phương nào cũng đề nghị điện than, sau đó lại không ủng hộ, nay thì rất nhiều địa phương đề nghị điện khí, điện mặt trời, điện gió… rất mang tính phong trào", ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Sinh - Ủyviên thường trực Ủyban Kinh tế cũng nêu ngịch lý, trong khi thời gian qua không có dự án khởi công mới, nhiều dự án chậm tiến độ, thì năng lượng tái tạo vô cùng khởi sắc. Tuy nhiên, đây cũng cũng lại là một điểm bất thường khác trong điều hành.

Theo ông Sinh, Thủ tướng đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo từ năm 2011, tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thiếu chủ động lập quy hoạch điện mặt trời, điện gió cả nước khiến các nhà đầu tư rất khổ. Thực tế này khiến công suất điện mặt trời tăng gấp 7 - 8 lần so với quy hoạch, lưới điện truyền tải không đáp ứng, lãng phí nguồn lực.

Thừa nhận việc lập quy hoạch điện trước đây khá "cứng" khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư từ nguồn lực tư nhân, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, các quyết định 11 hay gần đây là quyết định 13 về cơ chế giá cho điện mặt trời đã giúp thu hút nguồn lực đầu tư doanh nghiệp tư nhân vào phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nguồn điện mặt trời, điện gió chiếm gần 10% tổng công suất nguồn điện cả nước, tương đương 5.600 MW.

Ví dụ tại Campuchia, nhà đầu tư được giao đất sạch, cơ chế tín dụng... để đấu giá, trong khi tại Việt Nam nhà đầu tư phải lo đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì thế giai đoạn đầu huy động đảm bảo nguồn điện thì việc đưa ra giá FIT ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư là cần thiết. Nhưng khi công nghệ thay đổi, rẻ hơn, mới hơn thì việc chuyển từ giá FIT sang đấu thầu giá cạnh tranh sẽ phù hợp hơn với nguyên tắc thị trường, phát triển năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết để khắc phục những tồn tại trên, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc; bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ… Khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, ngành điện Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời); chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.

Cùng với đó, phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến; bảo đảm an toàn môi trường…

Vì sao giá điện tăng chứ không giảm?

Tại Phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm nêu rõ, theo báo cáo của Bộ Công Thương từ năm 2011 đến nay, đã 9 lần điều chỉnh tăng giá điện, chưa bao giờ điều chỉnh giảm, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành điện, chưa giải quyết được bức xúc tiền điện, quy hoạch bất cập kể cả nguồn điện, lưới điện, rủi ro thiếu điện... đề nghị Bộ Công thương cần cho biết thêm về vấn đề này.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Như đề án Thủ tướng phê duyệt năm 2011 có 3 cấp độ: đầu tiên là thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu thực hiện 2011, 2012 và đến nay đã hoàn chỉnh như báo cáo với Quốc hội, đã có hơn 94 nhà máy điện tham gia vào thị trường điện cạnh tranh.

Cấp độ hai, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được triển khai từ 2018, 2019 đã có thị trường này và chúng ta đã tiến hành bán điện cạnh tranh với các tổng công ty lớn ngoài EVN tham gia trực tiếp.

Cấp độ ba, bán lẻ giá điện cạnh tranh dự kiến 2024, sau khi có tổng kết thí điểm từ 2021 - 2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi, hiệu quả của mô hình này để đến lúc đó thật sự có cơ chế thị trường.

"Điều đó có nghĩa là người sử dụng điện cho dù là sản xuất hay sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với phân phối bán điện giá rẻ. Cơ chế điện này có tăng, có giảm theo đúng kinh tếthị trường, cơ cấu giá đầu vào của giá thành sản xuất điện. Đến khi đó, Nhà nước chỉ quản lý phí của hệ thống truyền tải và phân phối. Còn lại cơ chế, cơ cấu giá thành sản xuất là quyết định giá bán lẻ. Vì vậy, có thể khẳng định đến 2024 thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm điều đó", Bộ trưởng nói.

Ông Trần Tuấn Anh giải thích thêm, hiện nay, Luật Giá quy định, có cơ chế giá của các khu vực chênh lệch, có biểu giá bán lẻ điện trong khung 5 năm ổn định, trong đó có cả điện sinh hoạt, điện sản xuất và điện kinh doanh.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá, có cả những vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo. Chính vì vậy, quá trình vừa qua là phải đảm bảo theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, trên thực tế người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giá giảm, bởi các khâu đầu vào của giá điện cũng như các chi phí chung chưa giảm, trong thời gian qua khi có dấu hiệu giảm của đầu vào như giá khí, giá than, chúng ta có điểu chỉnh một bước giảm giá điện trong 10% và cũng là yếu tố để giảm giá điện trong thời điểm dịch COVID-19.

"Chúng tôi thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng chúng tôi tin rằng trong thời gian tới đây, khi chúng ta hình thành thị trường điện cạnh tranh thì câu chuyện giá điện sẽ thực sự hoàn toàn minh bạch, công khai. Tôi tin rằng nguyên tắc của chúng ta lúc đó sẽ được đảm bảo các yếu tố của thị trường, giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐB Hoàng Quang Hàm: Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương chưa nỗ lực giảm giá điện