Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, để kiểm soát triệt để được quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, cần thực hiện tốt 5 giải pháp cơ bản.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Chính trị gia phải có chương trình hành động cụ thể, nếu không hoàn thành thì từ chức

Bùi Trí Lâm | 02/10/2019, 16:25

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, để kiểm soát triệt để được quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, cần thực hiện tốt 5 giải pháp cơ bản.

Mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản riêng về lĩnh vực này.

Trong đó nêu rõ các cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức cũng như quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền.

Theo đó, hành vi chạy chức, chạy quyền được kể đến như tiếp cận, thiết lập quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn nhắm có được chức vụ, quyền lợi; sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân, tổ chức khác để tặng quà, tiền… cho người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm; lợi dụng các mối quan hệ thân quen, uy tín của người khác để tác động tiến cử, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ mong muốn…

Quy định cũng chỉ ra các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền như che giấu, không báo cáo hoặc không xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để tác động, gây sức ép để người khác giới thiệu nhân sự theo ý mình; Xác nhận, chứng thực không đúng sự thật hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu; nhận hối lộ, hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền…

Với chủ thể là người đứng đầu cấp ủy, địa phương, quy định này yêu cầu phải triệu tập đầy đủ, đúng thành phần khi họp bàn về công tác cán bộ; dành thời gian thỏa đáng để tập thể thảo luận, biểu quyết thật sự khách quan, dân chủ; không được thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, để kiểm soát triệt để được quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản:

Cụ thể, với các chính trị gia, phải có chương trình hành động và lộ trình thực thi cụ thể, được trình bày trước người sẽ bầu ra mình; cam kết trách nhiệm nếu không thực hiện được chương trình ấy thì sẽ tự giác từ chức; nếu không chịu từ chức, thì sẽ bị trừng phạt.

Đối với chức danh quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính: Phải tổ chức thi tuyển công khai với các đề thi về kiến thức pháp luật, năng lực dự báo, giải pháp trước các thách thức, cảm xúc cá nhân trước tự nhiên và xã hội. Sử dụng công nghệ cao để kiểm soát việc chấm điểm. Ai có kết quả cao sẽ trúng tuyển, đồng thời sát hạch thường xuyên khả năng hoàn thành nhiệm vụ để thăng chức, miễn chức, giáng chức hoặc sa thải, hay xử lý hình sự nếu có vi phạm nghiêm trọng.

Theo ông Vân, cần trọng thưởng đối với ai lựa chọn hoặc tiến cử được nhân tài đích thực, có kết quả cụ thể làm xoay chuyển tình hình. Xử phạt thật nghiêm khắc bằng các chế tài hành chính, kinh tế và hình sự đối với kẻ nào gian lận trong bầu cử, thi tuyển, giới thiệu, đề bạt nhân sự không làm được việc, vi phạm pháp luật, vơ vét tiền của, phá hoại tài sản công và tài sản của nhân dân. Để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì phải áp dụng khung hình phạt cao nhất mới đủ sức răn đe.

Đồng thời, thực hiện chế độ giám sát chặt chẽ của người dân đối với quan chức ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là người đứng đầu; bảo vệ sự an toàn tuyệt đối quyền tố cáo của công dân, bao gồm tố cáo nặc danh, nhưng có căn cứ. Phát huy mạnh mẽ phương tiện truyền thông trong giám sát hành vi của cán bộ các cấp.

Cùng với đó là xử lý thật nghiêm khắc việc lợi dụng quyền hành được trao, quyền tự do dân chủ để vu khống, bịa đặt, hãm hại nhân tài, cán bộ liêm chính.

Trước đó, trong bài phát biểu Bế mạc hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóaquyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.

Đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền; Kiên quyết hủybỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
14 phút trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lê Thanh Vân: Chính trị gia phải có chương trình hành động cụ thể, nếu không hoàn thành thì từ chức