Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Lê Thanh Vân ủng hộ đề xuất sáp nhập một số sở, ngành của Bộ Nội vụ và cho rằng, điều này là cần thiết bởi vì những cơ quan này có nhiệm vụ khá tương đồng và liên quan mật thiết với nhau.

ĐBQH Lê Thanh Vân: 'Tôi ủng hộ thí điểm sáp nhập sở, ngành'

Trí Lâm | 29/03/2017, 21:04

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Lê Thanh Vân ủng hộ đề xuất sáp nhập một số sở, ngành của Bộ Nội vụ và cho rằng, điều này là cần thiết bởi vì những cơ quan này có nhiệm vụ khá tương đồng và liên quan mật thiết với nhau.

Theo dự thảo Tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố đang được Bộ Nội vụ xây dựng, Bộ này đềnghị sáp nhập một số sở, ngành như hợp nhất Sở Kế hoạch-Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch-Tài chính.

Theo Bộ Nội vụ, chức năng nhiệm vụ của 2 sở có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Đề xuất này của Bộ Nội vụ đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong các bộ, ngành, địa phương.

Là một trong những đại biểu quốc hội đề xuất ý tưởng này tại diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân đã chia sẻ với phóng viên báo điện từ Một Thế Giới về vấn đề này.

Quan điểm của ông thế nào trước việc Bộ Nội vụ đềnghị sáp nhập một số sở, ngành như hợp nhất Sở Kế hoạch-Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch-Tài chính…

- ĐBQH Lê Thanh Vân: Thực ra đề xuất này có từ Quốc hội khóa 13 và đến khóa 14 này tôi cũng đề xuất với Quốc hội, đó là nghiên cứu sắp xếp bộ máy Nhà nước theo hướng tinh giản bộ máy và rà soát chức năng của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở tính đồng dạng để thu hẹp lại đầu mối trong quản lý.

Tôi đề nghị nhập Bộ Kế hoạch -Đầu tư và Bộ Tài chính làm một thành Bộ Kinh tế tổng hợp, nhập Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Cơ sở hạ tầng…

Lý do, quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô, tầm Chính phủ thì chủ yếu quản lý về thể chế, chính sách, các quy chuẩn, quy tắc, từ đó bộ máy phải vận hành theo quy chuẩn đó. Trong đó, Bộ KH-ĐTvới Tài chính về cơ bản là đồng dạng, đều có mục đích xây dựng, dự báo kế hoạch chiến lược, nguồn lực để phát triển kinh tế; Bộ KH-ĐT muốn quyết định đầu tư dự án phải biết ngân sách có bao nhiêu tiền… Cho nên nếu 2 bộ này sáp nhập vào nhau thì sẽ hỗ trợ lẫn nhau thực hiện tốt các chức năng quản lý kinh tế Nhà nước.

Bộ GTVT và Bộ Xây dựng cũng vậy, việc xây dựng gắn liền với hệ thống giao thông không chỉ trong nội đô mà cả các khu dân cư trên mạng lưới giao thông. Do đó, hai ngành này có quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng, cho nên nhập hai bộ này để tập trung đầu mối và thống nhất trong quản lý là điều cần thiết.

Do đó, tôi ủng hộ đề xuất sáp nhập một số sở, ngành mà Bộ Nội vụ vừa đưa vào dự thảo, và đánh giá cao việc Chính phủ đang xây dựng thí điểm việc sáp nhập ở các địa phương. Đó là bước đi thận trọng để kiểm nghiệm qua thực tiễn việc sáp nhập đó có tốt hơn không, sau đó chúng ta mới tính đến việc sáp nhập, tinh giản bộ máy trên trung ương.

Theo ông, việc áp dụng này là đồng loạt hay phải xét đến đặc thù từng địa phương? Ví dụ như TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng việc sáp nhập sẽ khiến khối lượng công việc tăng cao, dẫn đến trì trệ, gây bất lợi cho người dân và doanh nghiệp?

- ĐBQH Lê Thanh Vân:Việc có nặng nề hay không tôi nghĩ là do phân công lao động của bộ máy quản lý. Một đầu mối nhưng có thể thực hiện nhiều chức năng, vấn đề là phân cấp, phân quyền, phân công lao động, tổ chức nguồn lực thế nào để mà thực hiện việc điều phối trong việc thực hiện chức năng chung đó.

Hiện nay chúng ta đang rà soát lại cải cách hành chính bộ máy Nhà nước. Muốn xây dựng nhiệm vụ cho cơ quan nào phải xác lập chức năng của nó trước, đó là nguồn gốc để xác định nhiệm vụ cho cơ quan đó. Sau đó, mới xác định từng loại công việc để thực hiện nhiệm vụ đó, trên cơ sở đó mới xác lập công việc đó tương ứng với bao nhiêu lao động, quy mô nào. Nếu làm được điều đó một cách khoa học thì sẽ không có chồng lấn, xung đột.

Vậy chúng ta cần xử lý như thế nào đối với đội ngũ biên chế dôi dư,thưa ông?

- ĐBQH Lê Thanh Vân:Hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Quyết định 108 của Chính phủ về tinh giản bộ máy, nhưng qua thực tế cho thấy, chúng ta đang thực hiện việc tinh giản bộ máy một cách cơ học. Tức là, chúng ta tinh giản bằng cách chờ những người trong bộ máy về hưu mà không tuyển mới. Đó là giảm về số lượng, không có sự chuyển biến mạnh về chất lượng cán bộ. Sắp xếp lại bộ máy phải tạo được sự chuyển biến về chất.

Đánh giá năng lực thực chất cán bộ thông qua vị trí công tác cụ thể, dựa trên các tiêu chí về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tương ứng với việc làm. Ai không đáp ứng được yêu cầu công việc thì phải thay đổi, chuyển vị trí hoặc cho ra khỏi bộ máy. Đây là cơ hội để chúng ta thanh lọc cán bộ.

Thực tế, hiện nay chúng ta chưa làm được điều này bởi các địa phương thiếu tính quyết liệt của người đứng đầu, tâm lý cả nể, e dè, không vì lợi ích chung… nên người ta che chở cho nhau, níu kéo nhau để tồn tại trong bộ máy. Nếu cứ vậy thì quỹ lương sẽ không đủ để chi trả cho một bộ máy như vậy, không nâng cao được năng suất lao động sáng tạo cho đội ngũ công chức.

Cần xem xét kỹ lưỡng

“Việc đề xuất hợp nhất Sở KH-ĐT với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch-Tài chính là một vấn đề lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, có điều tra, khảo sát đánh giá tác động thấu đáo. Hiện nay nghị quyết của Đảng, Quốc hội hay Chính phủ chưa đề cập cụ thể vấn đề này.

Trong thực tiễn, hai sở vẫn hoạt động độc lập, bình thường, phát huy tốt vai trò của mình, vừa phối hợp vừa kiểm soát, giám sát lẫn nhau. Việc sáp nhập như vậy sẽ không đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Nếu sáp nhập sẽ gây khó khăn trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương”

(Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

“Sở Kế hoạch -Đầu tư TP.HCM đang theo dõi hơn 6.700 dự án, làm việc với các doanh nghiệp đến từ 87 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ riêng năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết 273 nghìn hồ sơ, tiếp nhận hơn 50.000 văn bản và phát đi hơn 35.000 văn bản, chưa nói đến Sở Tài chính. Nếu nhập hai sở lại như vậy thì sao làm nổi? Mà không làm nổi sẽ dẫn đến đình trệ công việc, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, tác động đến sự phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, không thể sáp nhập ba Sở Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông bởi dân số thành phố đang lên đến 13 triệu người, các vấn đề về đô thị, dân sinh rất phức tạp. Việc tổ chức lại bộ máy nhà nước tại TP.HCM phải căn cứ vào đặc thù của thành phố”.

(Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong)

Hoài Phong (thực hiện)
Bài liên quan
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng lĩnh án 13 năm tù, Lê Thanh Vân 7 năm tù
HĐXX TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng 13 năm tù (tổng hợp cả 2 tội danh), bị cáo Lê Thanh Vân lĩnh án 7 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lê Thanh Vân: 'Tôi ủng hộ thí điểm sáp nhập sở, ngành'