Tùy vào tình hình diễn biến dịch bệnh ở mỗi nơi có khác nhau, các địa phương ở ĐBSCL đang có những phương án, kế hoạch bám sát Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về việc thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới.
Các địa phương ĐBSCL vẫn thận trọng
Căn cứ vào Nghị quyết 128, Vĩnh Long đã ban hành quyết định về việc áp dụng các biện pháp hành chính trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo các cấp độ nguy cơ. Thời gian áp dụng là từ 16.10 đến 31.10.
Có 2 cấp độ được áp dụng là nguy cơ rất cao (cấp độ 4) và nguy cơ trung bình (cấp độ 2). Quyết định yêu cầu các ngành và địa phương triển khai ngay hướng dẫn có liên quan đến ngành mình nhằm thực hiện nghiêm Nghị quyết 128. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch ngay tại khu dân cư, xã, phường, thị trấn; tổ chức chu đáo chiến dịch tiêm vắc xin từ ngày 12.10 đến 20.10; tập trung hỗ trợ khôi phục hoạt động cho các doanh nghiệp; thực hiện đúng, kịp thời các chính sách về giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tiếp tục rà soát việc thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
Một số quy định cần lưu ý ở vùng cấp độ 2, gồm: các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Trong đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phục vụ khách tại chỗ nhưng không được mở cửa quá 21 giờ đêm hàng ngày, phải đảm bảo nhân viên phục vụ đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Riêng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống ven quốc lộ, các tuyến đường thuộc luồng xanh quốc gia không được kinh doanh phục vụ tại chỗ.
Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ lây nhiễm cao như: cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar; karaoke; game; massage; phố đi bộ; chợ đêm. Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo…. được hoạt động và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công trình xây dựng hoạt động trong điều kiện theo phương án 3 tại chỗ, hoặc 2 tại chỗ - 1 vùng xanh, các mô hình, phương án đảm bảo phòng chống dịch; tổ chức học từ xa (học trực tuyến, học trên truyền hình, học qua tài liệu dạy học).
Người dân hạn chế đi ra đường khi không cần thiết trong khoảng thời gian từ 21 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau.
Đối với người dân ra, vào tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT. Riêng đối với người dân Vĩnh Long ra khỏi tỉnh và trở về tỉnh; người dân từ nơi khác đến Vĩnh Long, ngoài các yêu cầu theo quy định phải thực hiện cách ly phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của tỉnh.
Cần Thơ cũng đang xây dựng phương án sát Nghị quyết 128, UBND TP đã giao Sở Y tế, văn phòng UBND TP căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xác định thuộc cấp độ nào thì thực hiện các giải pháp tương ứng. Các sở, ngành bám sát hướng dẫn của bộ, ngành trung ương để có hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực được phân công.
Từ đầu tháng 10 đến nay, đã có hơn 13.000 người dân Cần Thơ về từ vùng dịch, phát hiện hơn 200 F0, trong đó 64 người tái dương tính. Các ca nhiễm nồng độ vi rút rất cao. UBND TP.Cần Thơ yêu cầu các địa phương không được chủ quan, phải kiểm soát thật chặt cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Cần Thơ cũng chỉ đạo các quận huyện không dừng xét nghiệm; cần phải tiếp tục xét nghiệm định kỳ trường hợp nguy cơ cao.
Chống dịch toàn diện hơn nữa
Tại Cà Mau, địa phương này đã ban hành quyết định quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn. Theo đó, Cà Mau khuyến cáo người dân không ra đường nếu không thực sự cần thiết, xét nghiệm định kỳ. Tất cả người về/đến Cà Mau phải được kiểm soát, phân vùng để có biện pháp phòng chống dịch.
Người đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng, có kết quả PCR hoặc test nhanh âm tính thì theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú trong 7 ngày. Trong thời gian này phải tự làm xét nghiệm PCR hoặc test nhanh 2 lần. Đối với người không đủ các điều kiện như nêu trên thì phải cách ly tập trung hoặc tại nhà trong 21 ngày. Thời gian cách ly phải test nhanh 3 ngày/lần hoặc xét nghiệm PCR 7 ngày/lần.
Về biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch, Cà Mau quy định một số hoạt động tùy theo 4 cấp độ mà được phép hoặc không.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương đang hoàn thiện kế hoạch thực hiện theo đúng Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tỉnh vẫn duy trì các chốt kiểm soát người vào tại các khu vực cửa ngõ để kiểm tra, phân luồng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.
Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận hơn 50.000 người từ TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương… về quê. Tỉnh đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho những người phải cách ly y tế tập trung và tại nhà với mức 80.000 đồng/người/ngày. Ước tính khoảng 30.000 người cần hỗ trợ.
“Dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn hạn chế, nhưng đa phần bà con trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ về tài chính, tỉnh quyết định chia sẻ với bà con” - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho hay.