Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thành phố tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cần phát huy, các giải pháp đột phá giúp kinh tế TP.HCM phục hồi, tạo đà phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

TP.HCM tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới để tạo đà phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay

Tú Viên | 16/10/2021, 11:40

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thành phố tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cần phát huy, các giải pháp đột phá giúp kinh tế TP.HCM phục hồi, tạo đà phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 16.10, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, TP.HCM chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 như thời gian vừa qua. Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đã được kiểm soát. Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, TP cần xây dựng các kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch UBND TP, hội thảo đặt ra 3 vấn đề. Thứ nhất, tập trung đánh giá, nhận diện xu hướng, diễn biến dịch cùng những tác động tích cực, tiêu cực đối với kinh tế thế giới, cả nước và TP.HCM. Thứ 2, đưa ra những phương án giúp TP giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí trong mối tương quan giữa các thành phố trong khu vực và thế giới. Thứ 3, vạch ra kế hoạch nhằm duy trì, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11.

mai.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HM Phan Văn Mãi phátt biểuu tạii buổi tham luậnn-Ảnhh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn nhận được sự góp ý, đánh giá của các chuyên gia nhận diện về xu hướng diễn biến dịch, tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đối với kinh tế thế giới, với Việt Nam và TP.HCM. Đồng thời, góp ý, gợi mở giải pháp giúp TP.HCM củng cố và giữ vững vai trò đầu tàu với kinh tế của cả nước, giữ vị trí trong mối tương quan với khu vực và thế giới. TP.HCM cũng tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cần phát huy, các giải pháp đột phá giúp kinh tế TP.HCM phục hồi, tạo đà phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào 4 nội dung gồm lao động, việc làm; thu nhập, chi tiêu; sức khoẻ cộng đồng; văn hoá - giáo dục, xã hội. Trong đó, các chuyên gia đã tập trung vào 2 mục tiêu chính, gồm: Phục hồi sản xuất kinh doanh; đổ gãy chuỗi sản xuất cung ứng giúp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân nêu vấn đề: “Trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, danh tiếng và thương hiệu TP.HCM cũng đã bị tổn hại. Do vậy, một trong những giải pháp phải đề cập đến là xây dựng thương hiệu thành phố trên cơ sở kết hợp các khía cạnh độc đáo của văn hóa và năng lực đổi mới, sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình để thu hút nhân tài và các nguồn lực đầu tư, tạo ra giá trị phù hợp với công chúng”.

Liên quan đến vấn đề miễn dịch cộng đồng để sống chung an toàn và bền vững với COVID-19. Điều này được đề cập, đi cùng với một số kiến nghị nhằm phục hồi kinh tế bao gồm: tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch bệnh, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ, đánh giá mức độ miễn dịch của người lớn tuổi.

Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, với cố gắng đạt 2 mũi tiêm vắc xin cho trên 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi, chúng ta có thể bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Ngoài ra, số ca mắc ở một số lượng nào đó cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng. Điều này cho thấy khi chúng ta đã bảo vệ được người cao tuổi thì sự tồn tại của COVID-19 không chỉ có mặt có hại mà còn có mặt có lợi. “Từ quan điểm này, chúng ta có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn”, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng đánh giá.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng đề nghị TP.HCM tiếp tục thực hiện 5K; cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch; chấp nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát; không cần thiết cách ly người F1 nếu những người này đã được tiêm vắc xin 2 mũi. “TP.HCM cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề nghị và đánh giá “nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế là nhỏ”.

Một vấn đề được quan tâm tại hội thảo là công tác xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân. Đây được xác định là vấn đề bức thiết và cấp bách, được đặt ra hiện nay sau đại dịch. Theo đó, TP cần ưu tiên đầu tư 3 chương trình nhà ở gồm: chương trình nhà lưu trú công nhân; chương trình giải toả, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch; chương trình nhà cho thuê dài hạn, đủ tiêu chuẩn với giá thuê hợp lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới để tạo đà phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay