TP.HCM đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhằm tạo miễn dịch trong cộng đồng, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường, nhưng đang gặp trở ngại lớn do nguồn vắc xin khan hiếm.
Như chúng ta đã biết, hiện nay vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam vẫn còn “bao cấp”, Nhà nước thông qua các đơn vị ủy thác để mua vắc xin về tiêm miễn phí cho người dân.
Dù hiện nay Chính phủ đã thành lập tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin; còn UBND TP.HCM cũng đã thành lập Tổ công tác mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, nhưng tình hình mua và sử dụng vắc xin vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, từ nay đến cuối năm 2021 tình hình vắc xin phòng COVID-19 còn khó khăn, khan hiếm.
Tuy nhiên, muốn thoát khỏi dịch bệnh trong điều kiện như hiện nay ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM ngoài công tác chống dịch mà chúng ta đang thực hiện cần phải có vắc xin phòng COVID-19.
Lúc này hơn bao giờ hết, TP.HCM đang rất cần nhanh chóng thoát khỏi dịch bệnh COVID-19 để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Các doanh nghiệp không thể đóng cửa quá lâu, vì nguy cơ phá sản, nợ xấu, sau đó là các ngân hàng sẽ nguy hiểm theo sau, doanh nghiệp không thể nhận các gói tài trợ của chính phủ cho người nghèo.
Điều này đang đặt ra câu hỏi, làm thế nào để nhanh chóng bao phủ hết vắc xin cho người dân, giúp cuộc sống người dân trở lại bình thường trong điều kiện vắc xin từ nguồn viện trợ khó xin vì quá nhiều nước cần.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay TP.HCM đang phát động phong trào “lấy sức dân mà lo cho dân” để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 này, thì TP cũng nên tận dụng nguồn lực của người dân, các doanh nghiệp để tham gia vào việc mua và sử dụng vắc xin, không chỉ giảm được ngân sách Nhà nước mà còn có thêm những kênh vắc xin khác để người dân sớm tiếp cận, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Thông tin mà phóng viên được biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế thông qua các mối quan hệ của mình đã tiếp cận được khá nhiều nguồn vắc xin phòng COVID-19 của châu Âu và Mỹ.
Mới đây, hiệp hội doanh nghiệp - bệnh viện Đức có hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp đối tác của Đức, trong đó có một đơn vị y tế tư nhân ở phía Nam được nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca gửi thư ngỏ chào bán 20 triệu liều vắc xin AstraZeneca với giá 7 Euro/liều.
Theo vị giám đốc của đơn vị y tế này, AstraZeneca cho biết sẵn sàng hỗ trợ và đề nghị đơn vị cung cấp ý định thư cho sản phẩm mong muốn trên biểu mẫu của đơn vị; BCL (thư xác nhận của ngân hàng) cho sản phẩm; thanh toán tổng số tiền vào tài khoản ký quỹ là 14 Euro cho mỗi người với 2 lần tiêm (tiêm chủng lần thứ nhất và thứ hai) với số lượng mong muốn; đặc biệt phải có thư ủy quyền của Chính phủ Việt Nam để mua vắc xin này.
“Như vậy, chỉ cần Chính phủ ủy quyền là chúng tôi mua được 20 triệu liều vắc xin AstraZeneca này. Sau đó, chỉ cần 2 tuần là vắc xin này sẽ có mặt tại Việt Nam”, vị giám đốc của đơn vị y tế này khẳng định và nói: “Lô hàng này nếu chậm chân thì Đức sẽ chuyển cho Thái Lan”.
Trong khi đó, một đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực y tế khác cho biết, thông qua một đối tác đã tiếp cận được một khối lượng lớn vắc xin Moderna, nhưng đối tác này cũng yêu cầu phải có ủy quyền của Chính phủ mới được đàm phán để nhập khẩu khối lượng vắc xin này.
Thực tế cho thấy, nguồn vắc xin thương mại trên thế giới hiện nay không hề khan hiếm, vấn đề là Nhà nước phải cho các bệnh viện, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực y tế... chung tay.
Việc tham gia vào hoạt động mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế không chỉ là mua vắc xin, mà còn là tổ chức tiêm an toàn cho người dân.
Để tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19 an toàn cho người dân không chỉ là tiền mua vắc xin mà còn tốn rất nhiều thứ như : đồ bảo hộ, khẩu trang N95, thuốc men cấp cứu, thuốc chống phản vệ, công tác hậu cần…
Theo tính toán của các chuyên gia y tế, nếu tính toán hết chi phí vận chuyển, lưu kho... trung bình mỗi người dân tiêm an toàn chúng ta tốn chi phí khoảng 10 Euro/1 mũi tiêm.
Các chuyên gia y tế cho rằng, lúc này phải để các doanh nghiệp tự lo cho họ, để mở cửa làm ăn trả nợ ngân hàng. Tất nhiên, Nhà nước thương dân nhưng hãy để cho người dân cùng chung sức “lấy sức dân mà lo cho dân”.