Theo ông Charles Frank Bolden Jr. - nguyên Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration - NASA), để có thể bay vào vũ trụ cần phải làm việc tại NASA trong vòng 3 năm. Và còn phải là một người thông minh, khỏe mạnh, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, giỏi các môn học STEM…

Để bay vào vũ trụ, phải làm việc tại NASA và giỏi các môn STEM

Thu Anh | 18/06/2019, 10:33

Theo ông Charles Frank Bolden Jr. - nguyên Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration - NASA), để có thể bay vào vũ trụ cần phải làm việc tại NASA trong vòng 3 năm. Và còn phải là một người thông minh, khỏe mạnh, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, giỏi các môn học STEM…

Theo thông tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam -VNSC (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), ông Charles Frank Bolden Jr. sinh ngày 19.8.1946 tại Columbia, Bắc Carolina. Ông Bolden tốt nghiệp trường THPT C.A.Johnson năm 1964 và được nhận vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Ông nhận được bằng cử nhân khoa học và khoa học điện vào năm 1968, được bổ nhiệm làm thiếu uý Thuỷ quân lục chiến.

Năm 1977, ông đạt bằng Thạc sỹ khoa học về quản lý hệ thống từ Đại học Nam California. Sự nghiệp 34 năm của Bolden với Thuỷ quân lục chiến bao gồm 14 năm là thành viên của Văn phòng phi hành gia của NASA. Sau khi gia nhập vào năm 1980, ông đã đi lên quỹ đạo 4 lần bằng tàu con thoi từ năm 1986 đến năm 1994, chỉ huy hai nhiệm vụ và là phi công của hai nhiệm vụ còn lại. Ông ra khỏi quân ngũ vào năm 2003.

Ông Charles Frank Bolden Jr. (USMC-Ret.) được chỉ định bởi Tổng thống Barack Obama và phê chuẩn bởi Thượng viện Hoa Kỳ là Tổng giám đốc thứ 12 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NASA). Ông bắt đầu nhiệm vụ của mình với tư cách là người đứng đầu cơ quan vào ngày 17.7.2009 và nghỉ hưu vào ngày 20.1.2017.

ÔngCharles Frank Bolden Jr. đã đi lên quỹ đạo 4 lần bằng tàu con thoi - Ảnh: VNSC

Tại NASA, ông Bolden đã giám sát quá trình chuyển đổi an toàn từ các sứ mệnh tàu con thoi Space Shuttle sang một kỷ nguyên khám phá không gian mới với tập trung vào việc sử dụng toàn bộ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS và công cuộc phát triển công nghệ hàng không vũ trụ.

Các hoạt động năng động của NASA dưới quyền của ông Bolden bao gồm sự kiện lần đầu tiên hạ cánh thành công lên Sao Hoả của robot tự hành Curiosity, phóng tàu vũ trụ tới Sao Mộc và tiếp tục tiến tới sự ra mắt của Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) vào năm 2018, kế thừa từ sự thành công của Kính viễn vọng Không gian Hubble.

Trong lần sang thăm và làm việc tại Việt Nam(ngày 10 - 11.6),ông Charles Frank Bolden Jr. dành phần lớn thời gian chia sẻ những thông tin thú vị về hành trình khám phá vũ trụ, tìm kiếm các hành tinh có tồn tại sự sống, những nghiên cứu về sự sống trên trái đất mà NASA đã thực hiện cũng như sự tham gia của các công ty tư nhân vào quá trình này.

Ngoài ra, trong buổi giao lưu “Khám phá sao Hỏa” tại Đài thiên văn Hòa Lạc với các học sinh một số trường tiểu học, phổ thông trung học trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Charles Frank Bolden Jr. đã chia sẻ cảm giác khi lần đầu tiên đặt chân lên vũ trụ.

Nguyên Tổng giám đốc NASA giao lưu cùng các em học sinh tại Đài thiên văn Hòa Lạc - Ảnh: VNSC

Theo nguyên Tổng giám đốc NASA, chỉ mất khoảng hơn 8 phút là ông đã vào đến không gian. Tuy nhiên trong 2 phút 30 giây đầu tiên, ông cảm thấy các dao động rất mạnh, nhưng sau đó là một cảm giác rất êm ái giống như chúng ta đang ngồi trên xe limousine vậy.

Thường mọi người cứ nghĩ ở trên trạm vũ trụ quốc tế thì con người sẽ bay lơ lửng nhưng ông Bolden cho rằng không đến nỗi vậy. Con người vẫn ngồi yên được, cảm giác chỉ hơi lâng lâng, hơi trôi trong không khí; và để di chuyển, ông sẽ phải nắm vào một vật gì đó. Ở trên trạm vũ trụ, phi hành gia chỉ nhìn thấy một phần của Trái đất, những đường mờ mờ và chủ yếu là nhìn thấy đại dương mênh mông. Cảm giác thật sự choáng ngợp.

Trước câu hỏi “Phải làm thế nào để có thể bay vào vũ trụ?”, ông Charles Frank Bolden Jr. nhấn mạnh một trong những tiêu chí đầu tiên là phải làm việc tại NASA trong vòng 3 năm. Đồng thời là một người thông minh, khỏe mạnh, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, giỏi các môn học STEM và đặc biệt là không bị sỏi thận vì rất nguy hiểm trong một số trường hợp khẩn cấp, có thể phải quay trở lại Trái đất ngay lập tức.

Thu Anh
Bài liên quan
NASA: Năng lượng hạt nhân đã cứu sống 1,8 triệu sinh mạng trên Trái đất
Một báo cáo gần đây của các nhà khoa học NASA kết luận rằng năng lượng hạt nhân đã cứu sống khoảng 1,8 triệu sinh mạng từ năm 1971 đến năm 2009 nhờ tránh được ô nhiễm không khí.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để bay vào vũ trụ, phải làm việc tại NASA và giỏi các môn STEM