Giá xăng tăng mạnh liên tục đang gây áp lực quá lớn với người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc phục hồi sau dịch COVID-19.

Để kìm giá xăng tăng mạnh, phải giảm 30% thuế phí

Tuyết Nhung | 12/11/2021, 17:56

Giá xăng tăng mạnh liên tục đang gây áp lực quá lớn với người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc phục hồi sau dịch COVID-19.

Nhiều mặt hàng tăng giá theo

Liên Bộ Tài chính - Công Thương từ 15 giờ ngày 10.11 đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng E5RON92 tăng 559 đồng/lít, lên mức tối đa 23.669 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 658 đồng/lít lên mức sát ngưỡng 25.000 đồng. Lý giải về việc giá xăng trong nước tăng cao tiếp tục, Bộ Công Thương cho biết, do giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới trong 15 ngày qua tăng khoảng 1-1,6 USD/thùng so với mức giá bình quân 15 ngày trước đó.

xang-dau.jpeg
Thuế phí đang chiếm khá cao trong mặt hàng xăng dầu - Ảnh: Internet

Sau khi giá xăng tăng cao tiếp tục sát mức 25.000 đồng/lít, giá cả nhiều dịch vụ, hàng hóa đã tăng theo. Cụ thể, giá thịt, rau, hải sản... ở nhiều chợ dân sinh đã được điều chỉnh tăng từ 10 - 20% vì giá cả vận chuyển tăng. Các doanh nghiệp vận tải cũng điều chỉnh giá cước tăng lên khoảng 10%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn do sản lượng giảm tới 70-80%, ông Bùi Ngọc Bảo - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết, nhiều tỉnh thành nới lỏng giãn cách, đẩy lượng tiêu thụ tăng lên cùng với sự cố tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, khiến nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt trầm trọng ở nhiều nơi, đặc biệt là dầu DO 0,05%S và xăng RON 95-III, nhiều doanh nghiệp rất bị động trong việc tạo nguồn cung.

Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội phản ánh, chi phí do nhà nước quy định hiện nay trong kết cấu giá cơ sở không đủ cho doanh nghiệp trang trải trong bối cảnh giá cả leo thang, lạm phát như hiện nay.

Phải giảm 30% thuế phí

"Khi nào giá xăng trong nước giảm?" là câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay. Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, để kìm giá xăng dầu không tăng phi mã, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp thì cơ quan quản lý nên cân nhắc việc giảm thuế phí trong mặt hàng xăng dầu.

Theo ông Phú, thuế phí đang chiếm rất cao trong giá xăng dầu, lên tới 44%. Khi tính bài toán cuối cùng, giảm 30% thuế phí thì giá xăng dầu giảm, lúc đó năng lực cạnh của hàng hóa sẽ tăng lên, kéo theo doanh thu các mặt hàng tăng. Lúc đó thu ngân sách sẽ tăng cao.

Ông Phú cũng cho rằng, giá xăng dầu trong nước tăng cao như hiện nay là do vẫn còn sự độc quyền trên thị trường. Vì vậy, cần phải mở cửa thị trường xăng dầu, cho thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu buôn bán và phân phối để thị trường có sự cạnh tranh hơn.

"Ngoài ra, cần tận dụng 2 nhà máy lọc dầu trong nước, tăng cường dự trữ xăng dầu như các nước từ 3-6 tháng, khi xăng dầu rẻ thì mua vào kho dự trữ, khi giá xăng dầu tăng cao thì bình quân gia quyền lại, giá rất ổn định mà không cần đến quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện nay", ông Phú nói.

Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng để hạ nhiệt giá xăng dầu, cơ quan quản lý cần tính đến chuyện giảm thuế phí, như: thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.

Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường vẫn còn dư địa để giảm, nhưng thuế nhập khẩu thì gần như hết vì theo các cam kết trong hiệp định thương mại tự do của Việt Nam tham gia có quy định loại thuế này sẽ được giảm về 0%. Còn thuế bảo vệ môi trường thì dư địa còn giảm khá cao khi xăng E5 RON 92 phải chịu mức 3.800 đồng/lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít và dầu diesel là 2.000 đồng/lít... Do đó, ông Bảo đề xuất thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu có thể giảm 1.000 đồng/lít, kg tùy từng loại. 

Sẽ điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 95/2021 sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, trong đó nổi bật là quy định rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, định kỳ vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Nếu giá các mặt hàng xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc giá biến động ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương. Thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 2.1.2022.

Ngoài thay đổi thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Nghị định còn thay cách tính giá cơ sở (mức giá để nhà điều hành làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước). Cụ thể, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với tỉ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với tỉ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước. Như vậy, giá cơ sở sẽ phụ thuộc vào giá và tỷ lệ nguồn sản xuất trong nước, nhập khẩu.

Trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định trên cơ sở yếu tố đầu vào gồm: giá thế giới, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, mức trích lập Quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận kinh doanh định mức, thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng...) và bổ sung quy định về cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền.

Bài liên quan
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu, giá xăng dầu trong nước có tăng?
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh. Điều này đang gây áp lực lớn lên mặt hàng xăng dầu bán lẻ trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để kìm giá xăng tăng mạnh, phải giảm 30% thuế phí