Phục hồi kinh tế, mở cửa hội nhập quốc tế là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Sau khi Việt Nam kết thúc giãn cách xã hội, bắt đầu giai đoạn "bình thường mới" của thương mại và đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đã lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Dấu hiệu tích cực và tâm lý lạc quan này đã được thể hiện trong Chỉ số môi trường kinh doanh EuroCham (Business Climate Index - BCI) quý 3, một thước đo thường xuyên về nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp của EuroCham.
Kết quả BCI mới nhất chứng kiến mức tăng nhẹ nhưng đáng khích lệ, với 18,3 điểm phần trăm. BCI đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Hiện có gần một nửa lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư (49%) dự đoán triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ ổn định, cải thiện trong quý tới.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã có dự định tuyển dụng thêm nhân công trong vòng 3 tháng tới. Tương tự, tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch duy trì hoặc tăng vốn đầu tư trong quý 4 (69%) cao hơn hai điểm so với quý trước, với dự báo doanh thu cũng tăng.
Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham cho rằng "Chỉ số BCI hiện có xu hướng dịch chuyển theo hướng tích cực. Khi đại dịch đã được kiểm soát ở Việt Nam, sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tăng khi các công ty trở lại hoạt động bình thường và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên".
Nhiều doanh nghiệp FDI cho biết đang chờ xem các điều kiện và quy định trong điều kiện "bình thường mới" diễn ra như thế nào trước khi đưa ra các cam kết quan trọng về các dự án đầu tư hoặc kế hoạch tuyển dụng.
Trao đổi với PV Một Thế Giới về tình hình thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực đánh giá nguồn vốn FDI vào Việt Nam 10 tháng qua có xu hướng chậm lại do tình hình giãn cách xã hội, khiến dự án đầu tư bị chậm tiến độ. Theo đó, các nhà đầu tư kỳ vọng Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin, sớm đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh về trạng thái bình thường mới.
TS Cấn Văn Lực cho rằng tình hình thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm 2022 sẽ khả quan hơn nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, sự phục hồi đầu tư trực tiếp toàn cầu và triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, nhiều hiệp định thương mại tự do với các khu vực và đối tác chiến lược như EVFTA, RCEP... sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm nhiều dự án và các nhà đầu tư từ các châu lục khác đầu tư vào nhiều lĩnh vực, cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra.
"Theo đó, dự báo năm 2022 Việt Nam sẽ thu hút được từ 31 - 33 tỉ USD vốn FDI đăng ký, tăng 5 - 10% so với năm 2021", TS Lực nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Lực đề xuất Chính phủ cần thúc đẩy, lấy lại vị thế thu hút vốn FDI của Việt Nam và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân bứt phá sau đại dịch COVID-19.
Đồng thời, cần hết sức chú trọng khâu thực thi và nhất quán, phối hợp chính sách. Sớm hoàn thiện chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 và định hướng tiếp theo. Cùng với đó là cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro gồm: giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động…
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”