Liên quan đến những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2018, trao đổi với báo chí, ông Phạm Như Nghệ - Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ có thay đổi đáng kể so với kỳ thi THPT quốc gia 2018”.
Tại tọa đàm "Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học 2019", ông Phạm Như Nghệ - Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh đề thi năm 2017 quá dễ dẫn đến việc có những "cơn mưa điểm 10", thậm chí có những học sinh đạt 27 - 28 điểm mà còn không đỗ ĐH. Đến năm 2018 thì đề thi lại bị phản ứng là quá khó.
"Để khắc phục tình trạng của hai năm trước, năm nay Bộ Giáo dục dự kiến cho học sinh làm thử và giáo viên phản biện đề với số lượng lớn hơn, phạm vi rộng hơn, đảm bảo cho đề chính thức đạt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa đủ phân hóa để các trường căn cứ vào đó xét tuyển đại học", ông Nghệ nói.
Về phạm vi kiến thức trong đề thi, theo Vụ phó Giáo dục Đại học, dự kiến bao gồm cả lớp 10, 11, 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Điều này đã được thông báo từ năm 2017.
Riêng về vấn đề chấm thi, Bộ GD-ĐT sẽ không giao các địa phương chủ trì như trước đây mà chuyển cho các trường đại học. "Có thể sẽ dồn vào một số điểm để chấm chứ không phải chấm tại tất cả 63 tỉnh thành", ông Nghệ nói.
Phần mềm chấm thi, cách quản lý bài thi, điểm thi cũng có những điều chỉnh để đảm bảm sự chính xác, khách quan cho kết quả thi của thí sinh.
Trước đây, việc coi thiđược giao cho các Sở GD-ĐTchủ trì, phối hợp với đại học ở trung ương và địa phương.Năm 2019, công tác này dự kiến được thay đổi theo hướng trường đại học/cao đẳng địa phương sẽ không coi thi tại địa phương đó. Ví dụ, trường đại học ở tỉnh Bắc Ninh sẽ phải chuyển đi coi thi ở tỉnh khác.
Năm 2019 các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm vẫn tiếp tục được tuyển sinh nhiều đợt trong năm.Ngoài ra, chủ trương chung của Bộ GD-ĐT là tạo cơ hội tối đa cho các em học sinh nên các em đăng ký số nguyện vọng không hạn chế.
Dự kiến, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ cho học sinh làm thử đề và mong muốn nhận được ý kiến phản biện của giáo viên để đề thi tiến sát hơn tới mục tiêu mà kỳ thi kỳ vọng.
Dạ Thảo